.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Thủy điện phối hợp điều tiết nước sinh hoạt

.

Từ đầu năm đến nay, tại cửa thu nước thô của Nhà máy Nước Cầu Đỏ chưa xảy ra nhiễm mặn nặng dài ngày, Trạm bơm phòng mặn An Trạch chỉ vận hành khoảng 40 ngày khi nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn và cũng chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn đang phối hợp tích trữ, điều tiết nước hợp lý, bảo đảm cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho hạ du đến ngày 31-8-2015.
Các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn đang phối hợp tích trữ, điều tiết nước hợp lý, bảo đảm cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho hạ du đến ngày 31-8-2015.

Trong 3 năm 2012, 2013 và 2014, sông Cầu Đỏ thường xuyên bị nhiễm mặn nặng dài ngày do nguồn nước từ thượng lưu suy giảm, không đủ sức đẩy mặn xâm nhập hạ du.

Từ ngày 1-8-2014, sau khi Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sông Bung 4 đóng cống dẫn dòng tích nước, lượng nước từ sông Yên chảy về sông Cầu Đỏ hoàn toàn phụ thuộc vào việc vận hành các hồ chứa thủy điện trong hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, không phụ thuộc đơn thuần vào chế độ bán nhật triều như trước.

Việc bảo đảm nguồn nước thô cấp nước sinh hoạt cho người dân ở Đà Nẵng phụ thuộc lớn vào sự phối hợp điều tiết của hai NMTĐ lớn là Sông Bung 4 và A Vương. Nhờ sự phối hợp này, dù trữ lượng nước về 2 hồ chứa không như mọi năm, nhưng vẫn duy trì xả nước phát điện, bảo đảm cấp nước tưới và sinh hoạt cho hạ du đều đặn.

Mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch luôn ở trên mức 2,2m. Nguồn nước ngọt dồi dào từ sông Yên tuôn qua các cửa xả của đập dâng An Trạch chảy về sông Cầu Đỏ giúp đẩy mặn hiệu quả tại cửa thu nước thô của Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Qua mùa lũ 2014 và từ khi phát điện (ngày 1-10-2014) đến nay, NMTĐ Sông Bung 4 đã điều tiết nước cho hạ du qua chạy máy phát điện với tổng lượng nước hơn 600 triệu m3. Theo dự báo, cao điểm nắng nóng và khô hạn ở khu vực miền Trung vào giữa tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 8-2015.

Ông Trương Thiết Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án NMTĐ Sông Bung 4 cho biết: “Hồ chứa NMTĐ Sông Bung 4 có dung tích thiết kế khoảng 510 triệu m3 nước là điều kiện để chống hạn cho hạ du rất lớn trong mùa khô. Với lưu lượng xả nước về sông Bung từ 30-80m3/s thì các NMTĐ bậc thang ở hạ nguồn như: Sông Bung 4A, Sông Bung 5 và Sông Bung 6 chỉ tích nước vài giờ là phải xả nước phát điện vì dung tích hồ chứa của các NMTĐ này nhỏ, mực nước sông Vu Gia sẽ được duy trì”, ông Hùng nói.

Điều đáng nói, sau mùa lũ, hồ chứa NMTĐ A Vương rơi vào tình trạng thiếu hụt đến 65 triệu m3 nước. Tuy nhiên, nhờ phối hợp điều tiết nước hợp lý cùng NMTĐ Sông Bung 4 nên đến nay, mực nước hồ chứa NMTĐ A Vương đang ở mức 356m, cao hơn 4m so với thời điểm này năm ngoái.

Theo Công ty CP Thủy điện A Vương, do dự báo năm nay tình hình khô hạn kéo dài nên NMTĐ A Vương đã lên kế hoạch vừa phát điện, vừa phân phối nguồn nước tưới và cấp nước sinh hoạt cho hạ du hợp lý. Đặc biệt, kế hoạch xả nước phát điện này bảo đảm “cầm cự” đến ngày 31-8-2015 là hồ chứa xuống đến mực nước chết 340 mét.

“Từ đầu năm đến nay, do có sự phối hợp tốt với NMTĐ Sông Bung 4 nên NMTĐ A Vương đã phát điện ở mức trung bình để dự trữ nước làm nhiệm vụ cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho hạ du trong giai đoạn nhu cầu tăng cao”, ông Lê Đình Bản, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ

;
.
.
.
.
.