Bạn đọc
"Treo" trong dự án
Được quy hoạch và khởi công xây dựng vào năm 2003, đến nay, dự án Khu đô thị công nghiệp (nhà ở cho công nhân - PV) vẫn chưa hoàn thành. Trong thời gian dài đó, đã có sự thay đổi các chủ đầu tư và mục đích sử dụng, chuyển thành khu ký túc xá (KTX) sinh viên tập trung ở phía tây bắc thành phố. Sự chậm trễ này ảnh hưởng lớn đến đời sống của các hộ dân trong vùng quy hoạch.
Dự án nhà ở công nhân chuyển sang ký túc xá sinh viên xây dựng dang dở suốt hơn 10 năm qua. |
6 block nhà đã được xây, nhưng chỉ dừng lại ở bộ khung, chưa tô tường, có block chưa hoàn thiện bộ khung… Theo lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), nguyên nhân chậm trễ là do thiếu vốn, dẫn đến thi công ì ạch.
Được biết, tháng 7-2003, UBND thành phố Đà Nẵng giao cho Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng xây dựng 3 khu nhà chung cư 5 tầng dành cho người thu nhập thấp và công nhân trên diện tích gần 68ha.
Qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, năm 2011, UBND thành phố đã tách một phần dự án nhà ở công nhân, đồng thời lấy 1 block đã xây phần khung nhà trong dự án do Công ty Hưng Phú xây dựng (thành phố bàn giao khu quy hoạch 48ha cho công ty này đầu tư vào năm 2009 - PV) để quy hoạch lại thành dự án khu KTX sinh viên với 6 block, có diện tích 56,5ha.
Công trình này giao cho Ban quản lý dự án xây dựng thành phố điều hành, Công ty CP Đức Mạnh và Công ty CP Đầu tư Xây dựng 579 thi công. Các đơn vị thi công đang hoàn thiện 2 block để sớm bàn giao cho thành phố.
Cuối tháng 7-2015, chúng tôi có mặt tại dự án khu KTX sinh viên để tìm hiểu. 6 block nhà xây dựng dang dở, ngổn ngang đất cát, rất nhiều hố sâu lố nhố nằm chen lấn giữa các công trình. Có khoảng 20 hộ dân thuộc tổ 7, phường Hòa Hiệp Nam ở khuất sau công trình. Để vào được khu dân cư này, phải đi xuyên qua các tòa nhà trong công trình trên con đường sỏi đá. Ông Phạm Sự Thật, tổ trưởng tổ 8, phường Hòa Hiệp Nam, cho biết còn hơn 20 hộ dân vẫn bị “treo” trong dự án.
“Đường chẳng ra đường; nhà cửa, cơ sở hạ tầng điện nước đều rất tạm bợ. Muốn xây dựng nhà kiên cố cũng không được, mở rộng cũng không xong. Một phần do nằm trong quy hoạch nên không được xây dựng nhiều, một phần người dân cũng thắc thỏm chuyện di dời, nên dần biến khu dân cư trong đó như biệt lập”, ông Thật cho biết.
Ông Lê Duy Du, Bí thư, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, cho biết có 171 hồ sơ, 51 hộ dân thuộc các tổ 6, 7, 8 bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án. Hiện đã di dời 37 hộ, còn 14 hộ vẫn chưa hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa.
“Có nhiều hộ dân được kiểm định nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất việc áp giá. Việc chậm trễ của dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Từ đó, việc đầu tư hệ thống đường giao thông, kiên cố hóa nhà cửa đối với các hộ dân của UBND phường gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn thành phố sớm đầu tư dứt điểm để người dân ổn định, an tâm sinh sống; nhà cửa xuống cấp có điều kiện gia cố, xây mới”, ông Du nói.
Cũng theo ông Du, có một số hộ dân trong diện giải tỏa, kiểm định năm 2011, đến nay chỉ mới hoàn thành một phần; như hộ bà Mai Thị Chúc, có đất bị thu hồi, qua nhiều năm, mới chỉ thu hồi một phần trong tổng số 700m2 thuộc quy hoạch dự án. Phần còn lại dở dang, bà muốn đầu tư làm phòng trọ cho thuê cũng không được, cũng không biết có nên đóng thuế nhà đất hay không.
Một hộ dân ở sát công trình cho biết, năm 2004, nhà bà nằm trong diện giải tỏa, đã được kiểm định và đến nay đã… kiểm định lần 2 vẫn chưa có bảng áp giá: “Lúc kiểm định lần đầu, con tôi mới sinh 3 tháng, giờ nó học lớp 6 vẫn chưa giải tỏa xong. Nhà cửa xuống cấp không xây dựng được, đường sá bụi bặm, gặp lúc mưa gió, cả nhà chỉ biết cầu trời đừng bị sụp nhà, tốc mái. Chúng tôi mong mỏi thành phố đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm để giải quyết dứt điểm những khó khăn cho dân được nhờ”, bà nói.
“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, qua nhiều cơ quan chức năng, lên cả HĐND thành phố, nhưng rồi chẳng thay đổi gì cả. Cuộc sống người dân nơi đây tiếp tục bị “treo” trong dự án”, ông Phạm Sự Thật bày tỏ.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY