Với gần 30 cơ sở đá mỹ nghệ xung quanh Trường THCS Huỳnh Bá Chánh và Trường tiểu học Mai Đăng Chơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), quá trình hoạt động sản xuất gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và nguồn nước. Tình trạng này tồn tại hơn chục năm nay, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh.
Cơ sở sản xuất đá Huỳnh Bá Côi (và hơn 13 hộ khác) hoạt động sát Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thầy và trò cũng như chất lượng dạy và học của nhà trường. |
Một số phụ huynh phản ánh với phóng viên rằng, các cơ sở sản xuất đá hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà việc tiếp thu bài giảng của con cái họ bị ảnh hưởng rất lớn. “Con tôi đi học ở Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, mỗi lần đi học về thì áo quần cháu phủ đầy bụi. Hỏi ra mới biết là do các cơ sở đá hoạt động quanh trường, mỗi lần cưa, đục, đẽo đá, bụi đá bay mù mịt, bay vào lớp học. Không chỉ thế, cháu bị ảnh hưởng lớn về đường hô hấp vì hít bụi đá”, một phụ huynh bức xúc.
Việc sản xuất đá mỹ nghệ gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, phá hủy hệ thống đường giao thông… tại làng nghề cũ (quanh khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn) không phải bây giờ mới được đề cập. Tình trạng này đe dọa đến sức khỏe cũng như việc dạy và học của giáo viên, học sinh suốt hơn chục năm qua.
Thầy Đặng Phước Trường, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, cho biết trường chuyển đến địa chỉ K168 Nguyễn Duy Trinh (tổ 114) từ năm 2002. Cũng chừng ấy năm, nhà trường và học sinh bị các cơ sở sản xuất đá quanh trường “hành hạ”.
“Có 3 loại ô nhiễm là tiếng ồn, bụi và nguồn nước. Tiếng ồn và bụi là rõ nhất. Trong khi giáo viên đang giảng bài, học sinh lắng nghe, thì tiếng cưa, xẻ, đục đẽo đá chát chúa vang lên. Bài giảng bị đứt quãng, có tiếp tục thì chất lượng cũng không bảo đảm. Lâu ngày sức khỏe của cả thầy lẫn trò đều bị ảnh hưởng. Còn nguồn nước thì chỉ có thể dùng nước thủy cục, không ai dám dùng nước bơm vì sợ hóa chất tẩy, rửa đá theo nước thải ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm”, thầy Trường cho biết.
Tổ liên ngành quận Ngũ Hành Sơn đã làm việc với đại diện nhà trường, kiểm tra thực tế và tìm hướng giải quyết. Sau buổi làm việc đó, tiếp tục có buổi gặp mặt các chủ cơ sở sản xuất đá quanh các trường Huỳnh Bá Phát và Mai Đăng Chơn với UBND phường Hòa Hải.
Được biết, xung quanh Trường THCS Huỳnh Bá Chánh có 16 cơ sở sản xuất đá (2 cơ sở đã di dời) và xung quanh Trường tiểu học Mai Đăng Chơn có 10 cơ sở (2 cơ sở đã di dời).
Ngoài hộ ông Huỳnh Bá Côi (sát Trường THCS Huỳnh Bá Chánh) chưa nhận đất tại làng nghề mới do vướng mắc về nợ thuế, các hộ còn lại đều đã có hợp đồng thuê đất trong làng nghề mới. Ông Huỳnh Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, trước ngày 5-9, các hộ phải di dời về nơi sản xuất mới, trường hợp ông Côi sẽ có đề xuất giải pháp để có điều kiện thuê đất.
Ngày 7-9, liên hệ qua điện thoại với ông Huỳnh Quang Trung, được biết trong tổng số 26 hộ sản xuất đá xung quanh các trường học, 21 hộ đã di dời vào làng đá mới. “5 hộ còn lại, sáng 7-9, chúng tôi đã tiến hành cắt điện, nước để bảo đảm ngừng sản xuất. Sắp tới, các hộ này sẽ phải di dời lên cơ sở mới hoặc ngừng sản xuất”, ông Trung nói.
Công tác di dời các hộ sản xuất đá mỹ nghệ vào Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước diễn ra từ mấy năm nay nhưng vẫn chưa dứt điểm. Khi chúng tôi liên hệ qua điện thoại với ông Võ Đức Huy, Trưởng ban quản lý Làng nghề, để ghi nhận tiến độ di dời, thì ông từ chối vì… bận họp liên tục.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY