Bạn đọc

Thận trọng khi mua sản phẩm trả góp

07:51, 11/09/2015 (GMT+7)

Đầu năm học mới 2015-2016, nhiều công ty tài chính tung các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng vay mua điện thoại di động (ĐTDĐ), laptop, xe máy... bằng hình thức trả góp tại các siêu thị, cửa hàng.

Điện thoại, laptop, máy tính bảng là 3 mặt hàng được nhiều người tiêu dùng mua bằng  hình thức vay trả góp.
Điện thoại, laptop, máy tính bảng là 3 mặt hàng được nhiều người tiêu dùng mua bằng hình thức vay trả góp.

Hình thức vay mua sản phẩm này đã có trong nhiều năm nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn ngần ngại và bức xúc khi bị thu lãi vay cao, phát sinh khoản tiền phạt, bị quấy nhiễu và đe dọa để thu hồi nợ...

Dạo quanh các siêu thị điện máy, cửa hàng xe máy, ĐTDĐ, laptop, dễ dàng nhận thấy hình thức vay mua sản phẩm trả góp đang hoạt động khá nhộn nhịp với đội ngũ nhân viên tư vấn tín dụng cá nhân, vay tiêu dùng tín chấp khá hùng hậu của nhiều công ty tài chính. Đầu năm học là thời gian cao điểm của hình thức bán sản phẩm trả góp.

Theo quảng cáo của Công ty TNHH MTV Tài chính Home Credit, nhằm hỗ trợ phụ huynh và sinh viên mua sắm đồ dùng, thiết bị hữu ích cho năm học mới như: laptop, máy tính để bàn, ĐTDĐ, xe đạp điện, xe máy..., công ty có chương trình khuyến mãi “Mua sắm khai trường, nhận ngàn quà đỉnh”. Theo đó, khi khách hàng ký hợp đồng vay trả góp mua các sản phẩm với khoản vay trên 5 triệu đồng đều được tham gia vòng quay may mắn ngay tại cửa hàng.

Cơ hội trúng giải là 100% với 30 giải đặc biệt là học bổng trị giá 5 triệu đồng và hàng chục ngàn giải thưởng hấp dẫn khác như: túi du lịch, ba lô, áo mưa, áo thun… Thủ tục vay mua trả góp các sản phẩm rất đơn giản, khách hàng chỉ cần có chứng minh nhân dân, hộ khẩu (hoặc bằng lái xe cho khoản vay tối đa đến 10 triệu đồng) và sẽ biết kết quả duyệt khoản vay của mình trong vòng 10 phút. Công ty cũng có chương trình hủy hợp đồng bằng hoàn trả vốn vay, không tốn bất kỳ khoản phí phạt nào.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, tín dụng tiêu dùng có giá trị khoản vay nhỏ trong khi đối tượng khách hàng thường là cá nhân và có phạm vi không tập trung nên chi phí bình quân để thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ của công ty tín dụng tiêu dùng thường cao, dẫn đến lãi suất cung cấp dịch vụ cao. Để đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hồ sơ tín dụng tiêu dùng thường đơn giản và ít bao gồm các giấy tờ, thủ tục chứng minh, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho công ty cung cấp dịch vụ.

Trong thời gian qua, có nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và đang tạo ra nhiều bức xúc cho người dân, nhất là thiếu sót trong cách thức cung cấp thông tin, khiến người tiêu dùng bị phạt trong quá trình trả nợ hằng tháng. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng và người thân thường bị các cuộc điện thoại, tin nhắn liên hệ với mục đích thu hồi nợ, trong đó có những lời lẽ đe dọa, thiếu tôn trọng...

Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo, người tiêu dùng trước khi ký hợp đồng trả góp cần suy nghĩ kỹ, lựa chọn công ty cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín và đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt. Sau khi ký hợp đồng, đề nghị cung cấp một bản sao có giá trị pháp lý của hợp đồng đã ký kết. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, cần lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu liên quan.

Nếu có vấn đề phát sinh hoặc thắc mắc, cần chủ động liên hệ trực tiếp theo số điện thoại được cung cấp trên hợp đồng của công ty. Trường hợp đã phản ánh, liên hệ nhưng vấn đề chưa được làm rõ hoặc giải quyết, cần phản ánh tới bên thứ ba (hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công thương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh) để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.