Bạn đọc
Nhà tập thể sắp sập, dân chưa muốn di dời
Trên địa bàn quận Hải Châu có nhiều khu nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975 và hiện xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt, nhiều nhà tập thể đang chờ sập và UBND thành phố đã có quyết định thu hồi, bố trí căn hộ chung cư mới an toàn, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi hơn nhưng người dân không chịu di dời.
Một thanh dầm nứt toác, rệu rã và rớt từng cục bê-tông ở khu nhà tập thế số 69 Trần Phú. |
“Triệu phú ổ chuột”
Những hộ dân ở khu nhà tập thể số 69 Trần Phú (phường Hải Châu 1) nói mình là những “triệu phú ổ chuột”. Mặc dù khu nhà sắp sập và UBND thành phố đã có quyết định thu hồi nhưng họ kiên quyết bám trụ nơi đây. Căn nhà này trước đây chỉ có 2 tầng, mái lợp ngói nhưng qua hàng chục năm sử dụng, các hộ tự cơi nới công trình phụ, tận dụng từng khoảng không gian để đóng gác lửng gỗ kể cả hành lang, khiến nơi đây chật chội, ẩm thấp, nóng nực...
Ngày nắng, ánh nắng xuyên qua lỗ thủng mái ngói. Ngày mưa, các hộ ở tầng 2 mô tả: “Nước chảy xuống tứ tung”. Còn trần nhà tầng 1 đã gần như bong tróc hết lớp vữa, trơ cốt thép gỉ. Một số dầm nứt toác, rệu rã, rơi từng mảng bê-tông vì chịu lực nhiều năm. Hệ thống dây điện chằng chịt, có nhiều dây đi ngang qua các lỗ thủng mái ngói, mảng tường thấm nước mọc rêu xanh…
Người dân nơi đây cho biết, họ không chịu di dời vì nhiều nhà có 2-3 thế hệ đã sống trong nhà tập thể mấy chục năm nên không muốn tiếp tục ở chung cư. Mặt khác, ở đây, hằng năm chỉ trả tiền thuê nhà khoảng 500.000 đồng, trong khi ở chung cư phải đóng tiền thuê nhà hằng tháng, kể cả thang máy, từ 700.000 đồng trở lên. Các hộ còn cho rằng giá trị đền bù thấp và kiến nghị thành phố bố trí đất tái định cư ở gần trung tâm thành phố.
Nhiều vướng mắc giải tỏa, di dời
Theo UBND phường Hải Châu 1, trên địa bàn phường có 10 khu nhà tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng, gồm: khu nhà số 69, 56 và 149 Trần Phú; 3 và 5 Nguyễn Thái Học; 25, 30 và 57 Hùng Vương; 52 Trần Quốc Toản và 10 Trần Bình Trọng. 6 khu nhà tập thể đã có quyết định thu hồi của UBND thành phố là nhà số 56 và 69 Trần Phú, 3 và 5 Nguyễn Thái Học, 57 Hùng Vương và 10 Trần Bình Trọng; trong đó 3 khu nhà xuống cấp trầm trọng nhất là số 69 Trần Phú, số 3 và 5 Nguyễn Thái Học.
Riêng khu nhà số 69 Trần Phú có 11 hộ, trong diện có nguy cơ sụp đổ cao nhất, từng bị sập đổ một phần nên mỗi khi có bão ảnh hưởng đến Đà Nẵng thì phường phải di dời các hộ đến nơi trú bão an toàn.
UBND thành phố đã có chủ trương bố trí căn hộ chung cư đối với các hộ giải tỏa nhà tập thể xuống cấp trầm trọng nhưng các hộ giải tỏa không đồng ý. Hầu hết các hộ tập thể thuộc đối tượng cán bộ, viên chức trước đây (thời bao cấp), được cơ quan chủ quản hoặc UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng phân phối nhà ở theo tiêu chuẩn chế độ, tiền thuê nhà được cơ cấu trong tiền lương, người thuê nhà của Nhà nước phải trích tiền lương trả tiền thuê nhà, người không được phân phối nhà thì hưởng tiền thuê nhà trong cơ cấu tiền lương theo quy định tại Quyết định số 118/1992/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 27-11-1992).
Vì vậy, các hộ này cho rằng, tiêu chuẩn được Nhà nước phân phối, các hộ được quyền quản lý sử dụng ở, không ở, cho ở nhờ... (trừ khi Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ và tiêu chuẩn bố trí đất, bố trí nhà ở khác...).
Khi giải tỏa di dời, các hộ đề nghị được hưởng chính sách chung của thành phố về giải tỏa, di dời theo quy định chung, không phân biệt người có nhà riêng do gia đình tự lo, cho ở nhờ trong quá trình tính hỗ trợ, tái định cư. H
ơn nữa, cùng một đối tượng thuê nhà cùng một chính sách, có một số khu tập thể được giải tỏa di dời trước đây thì các hộ giải tỏa được bố trí đất tái định cư, nay thành phố chỉ chủ trương bố trí chung cư nên các hộ giải tỏa không thống nhất. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ đối với các hộ phải tự lo chỗ ở khác do nhà tập thể quá xuống cấp là khá thấp nên các hộ không đồng ý. Vì thế, đến nay, nhiều khu tập thể xuống cấp trầm trọng chưa giải quyết được việc giải tỏa, di dời, nhiều hộ vẫn cố bám víu sống trong những căn nhà chờ sập.
Bài và ảnh: KHÁNH HÀ