.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Tiếp tục trợ giá bán mũ bảo hiểm đạt chuẩn

.

Từ tháng 4-2012, thành phố Đà Nẵng triển khai chương trình đổi và bán mũ bảo hiểm (MBH) đạt chuẩn chất lượng, có gắn logo Đà Nẵng. Sau gần 3 năm thực hiện, tháng 8-2015, UBND thành phố quyết định tiếp tục nâng mức trợ giá lên thành 50%, kéo giá thành xuống còn 50.000 đồng/mũ.

Một người dân mua mũ bảo hiểm đạt chất lượng tại điểm bán của UBND quận Thanh Khê.
Một người dân mua mũ bảo hiểm đạt chất lượng tại điểm bán của UBND quận Thanh Khê.

Trợ giá để giúp người dân sử dụng MBH đạt chuẩn

Trong tổng số hơn 95.000 MBH mà nhà sản xuất (Công ty TNHH Nhựa Chí Thành) đã cung cấp theo hợp đồng, đến tháng 7-2015, đã có 68.570 MBH được tiêu thụ trên toàn địa bàn Đà Nẵng. Tuy vậy, số lượng mũ còn lại bị đánh giá là không dễ bán với giá 100.000 đồng/mũ, vì với mức tiền đó, người dân có thể mua một chiếc MBH ở ngoài thị trường với mẫu mã, màu sắc tùy thích. Trong khi đó, MBH do thành phố bán bị cho là hạn chế về chủng loại, kiểu dáng…, dù có chất lượng đạt chuẩn.

Với mong muốn khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân sử dụng MBH chất lượng, đầu năm 2015, phụ nữ nghèo và hội viên nông dân trên địa bàn thành phố được mua MBH với giá 70.000 đồng/mũ. Đến tháng 8-2015, UBND thành phố đã đồng ý với đề xuất của Ban An toàn giao thông thành phố, tiếp tục giảm giá bán, đổi MBH xuống còn 50.000 đồng/mũ cho toàn bộ người dân trên địa bàn.

Tích cực triển khai đổi, bán MBH với mức giá mới

Từ đầu tháng 9, quận Thanh Khê đã lập điểm bán MBH tại đường Nguyễn Tri Phương (cạnh Công viên 29-3). Lực lượng cảnh sát giao thông và cảnh sát trật tự quận phối hợp phụ trách điểm bán từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Ông Nguyễn Tiến Hiển, Đội Quy tắc đô thị quận Thanh Khê, cho biết trung bình mỗi ngày, có khoảng 8 MBH của thành phố được tiêu thụ trên địa bàn quận.

Theo quan sát của phóng viên, quầy MBH của quận Thanh Khê có khoảng 50 chiếc được trưng bày, chia 3 loại dành cho nam giới, nữ giới và trẻ em, khá phong phú về màu sắc và họa tiết nên không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mà còn bảo đảm yêu cầu về tính thời trang.

Tại 6 quận, huyện còn lại và 3 đơn vị tổ chức (Hội LHPN. Hội Nông dân và Liên đoàn Lao động thành phố), MBH được phân về các phường, xã hoặc các chi hội. Bà Nguyễn Thị Thu Thúy, Trưởng ban Tuyên huấn Hội Nông dân thành phố, cho biết từ đầu tháng 9, hội đã triển khai đưa MBH xuống 42 cơ sở hội trên toàn thành phố, rồi từ đó đưa về các chi hội trực thuộc. Hiện nay, cái khó của việc tiêu thụ là hầu như nhà nào cũng đã có MBH nên không có nhu cầu mua mũ mới.

Tuy vậy, theo bà Thúy, Hội Nông dân đã có những cách làm sáng tạo và hiệu quả như tặng mũ cho thợ xây dựng các công trình hội nhằm đảm bảo an toàn lao động, lập quầy đổi, bán mũ ở một số chợ (Hòa An, Thanh Bình) tiện cho người dân đến mua,… Tất cả các buổi sinh hoạt chi, tổ hội đều lồng ghép việc tuyên truyền, khuyến khích hội viên sử dụng MBH đạt chuẩn. Sau 1 tháng triển khai, đến nay, riêng chi hội quận Hải Châu đã tiêu thụ được 100 MBH.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố, Đà Nẵng là thành phố đi tiên phong cả nước trong phong trào sử dụng MBH đạt chuẩn khi đi mô-tô, xe máy. Giai đoạn 2011-2012, MBH kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường. Thời điểm đó, Đà Nẵng bắt đầu triển khai chương trình đổi, bán MBH đạt chuẩn giá rẻ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân và bình ổn giá cả thị trường.

Từ năm 2013 trở đi, việc sử dụng MBH chất lượng đã đi vào nền nếp, trở thành thói quen của người tham gia giao thông. Tuy vậy, vẫn xảy ra tình trạng điều khiển mô-tô, xe máy không đội MBH, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, hoặc ở những con đường nhỏ, vùng ngoại ô… Từ đầu năm 2015 đến nay, 3.224 trường hợp không đội MBH đã bị xử phạt, trong đó có 337 trường hợp là trẻ em trên 6 tuổi. Ông Cường cho biết, việc Đà Nẵng tiếp tục trợ giá MBH đạt chuẩn là một trong những giải pháp nhằm hạn chế những con số vi phạm này trong thời gian tới.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.