.
CHỢ AN HẢI ĐÔNG

Họp đường, bỏ chợ!

.

Tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kiệt 54 Lê Hữu Trác và đường Nguyễn Duy Hiệu quanh khu vực chợ An Hải Đông (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) tồn tại nhiều năm qua, đến nay vẫn không thể xử lý dứt điểm. Trong khi đó, dù chợ mới được xây dựng, nâng cấp trở lại nhưng hoạt động buôn bán tại chợ lại rơi vào cảnh đìu hiu.

Kiệt 54 Lê Hữu Trác chỉ thực sự thoáng khi lực lượng chức năng có mặt.
Kiệt 54 Lê Hữu Trác chỉ thực sự thoáng khi lực lượng chức năng có mặt.

Kiệt 54 Lê Hữu Trác vào buổi sáng, đoạn gần chợ, cảnh mua bán tấp nập. Vào giờ hành chính, lực lượng chức năng phường An Hải Đông và quận Sơn Trà thường xuyên túc trực để bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông (ATGT), không để người buôn bán lấn chiếm lòng đường.

Tuy nhiên, khi lực lượng này vắng mặt, gần như các tiểu thương ùa ra chiếm gần hết lòng đường để mời khách. Lúc này, người điều khiển xe máy muốn qua kiệt 54 sẽ rất khó khăn, phải luồn lách, thậm chí đẩy bộ vì người bán và người mua chen nhau tấp nập. Cách đó một đoạn là đường Nguyễn Duy Hiệu, vỉa hè đoạn nối từ kiệt 38 Lê Hữu Trác đến kiệt 54 cũng được người buôn bán tận dụng tối đa.

Trong khi đó, bước vào trong chợ An Hải Đông, từ lồng chợ phía Đông (bán rau, củ, quả, thịt) vẫn có người bán kẻ mua nhưng không đông đúc như ngoài đường kiệt; lồng chợ phía Nam bán cá có rất ít người vào mua hàng.

Đặc biệt, khu vực đình chợ có hàng gia vị và hàng vải, áo quần... rất vắng khách, có nhiều ki-ốt đóng cửa im lìm suốt nhiều tháng liền vì kinh doanh ế ẩm. Một số tiểu thương trong chợ phản ánh rằng, mặc dù họ đóng thuế mặt bằng, các khoản dịch vụ môi trường, điện, nước rất đều đặn, nhưng không “ăn nên làm ra” như những người buôn bán tự phát phía ngoài đường kiệt.

“Người làm ăn tử tế bị ế ẩm hàng hóa, còn người bán ngoài đường lại “ăn nên làm ra” là điều phi lí nhưng có thực. Lúc trước, đây là chợ tạm, rồi chợ mới được xây dựng, sau đó được cải tạo, nâng cấp trở nên khang trang, sạch sẽ. Dẫu vậy, buôn bán trong chợ vẫn đìu hiu, nhiều sạp hàng “chết yểu”, nhất là hàng vải ở tầng 2. Cơ quan chức năng cần có biện pháp giải tỏa chợ “cóc” ngoài đường thì khách mới vào chợ”, một tiểu thương đề nghị giấu tên cho biết.

Thực trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè quanh khu vực chợ chính An Hải Đông diễn ra nhiều năm. Người dân và tiểu thương trong chợ đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng nhưng giải pháp chỉ mới dừng lại ở việc “đẩy đuổi”, cứ có bóng dáng lực lượng chức năng thì tiểu thương lui vào sát lề đường, nép vào sát cổng nhà dân. Khi lực lượng này rút lui, tiểu thương tuồn hàng ra chào mời.

Trước tình trạng người dân tụ tập buôn bán ở kiệt 54 Lê Hữu Hữu Trác và vỉa hè đường Nguyễn Duy Hiệu nói trên, với chức năng quản lý của địa phương, UBND phường An Hải Đông sẽ có những giải pháp cụ thể như thế nào?

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Xuân Dương, Bí thư Đảng ủy phường An Hải Đông nói: “Tất cả các tuyến đường trên địa bàn phường đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật” (!?). Trong khi đó, chúng tôi vẫn chưa liên hệ trực tiếp được với ông Nguyễn Minh Quế, Chủ tịch UBND phường An Hải Đông, để tìm hiểu về giải pháp của chính quyền địa phương.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.