.
Qua đơn, thư bạn đọc

Mua đất không giấy tờ - giờ không điện, không nước

.

ĐNĐT - Tổ 14A thuộc khu dân cư Quang Thành 3B1 (Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu) có 47 hộ dân. Trong số đó, chỉ có khoảng 10 hộ có hộ khẩu, 10 hộ có giấy tạm trú. Còn lại, không hộ nào có giấy tờ nhà đất, hộ khẩu hay thậm chí là giấy tạm trú. Hệ quả là các hộ này không ký được hợp đồng điện, nước; con em cũng không được nhập học ở các trường đúng tuyến trên địa bàn.

14 hộ dân khu Quang Thành 3B1 vẫn chưa có điện, nước
14 hộ dân khu Quang Thành 3B1 vẫn chưa có điện, nước

Mua đất bằng giấy tờ sang tay

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, tổ trưởng tổ 14A: “Nguồn gốc của những miếng đất này là do một số người khai thác cát đến đây phát quang, dựng lều để ở. Lâu dần dân cư tập trung thành cả vùng, rồi người dân tự mua bán đất với nhau bằng giấy tờ sang tay”.

Hình thức loại giấy tờ này rất đơn giản. Người bán viết một tờ giấy ghi diện tích, vị trí và giá bán thửa đất. Người bán và người mua cùng ký dưới sự làm chứng của một người hàng xóm; sau đó đưa cho tổ trưởng tổ dân phố xác thực.

“Việc mua bán bằng giấy tờ sang tay diễn ra vào khoảng năm 2012, 2013… Người dân tự làm với nhau nên phường không biết được”, ông Đặng Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc cho biết.

Khi được hỏi vì sao bỏ ra một số tiền lớn mua nhà, đất mà không đòi hỏi giấy tờ theo qui định, một số hộ dân cho rằng điều này là bình thường. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng (trú K1/81, đường Ngô Sĩ Liên) nói: “Ban đầu cũng có sợ, nhưng nhìn nhà cửa đã thành nếp, đến gần 50 hộ san sát nên cũng yên tâm. 120 triệu đồng mà có đất, có nhà là điều quá tốt với gia đình tôi”.

Được biết, hộ ở đây lâu nhất là 15 năm, còn mới nhất là 3 năm. Sau nhiều năm trầy trật xin hợp đồng, đến nay đã có 33 hộ có điện nước. Còn lại 14 hộ (3 hộ không có điện, 4 hộ không có nước, 7 hộ không có cả điện lẫn nước) vẫn phải “xài ké” nhà bên cạnh.

Việc 3 đến 4 hộ cùng dùng chung điện, nước khiến nguồn điện, nước không đủ đảm bảo sinh hoạt. Việc phân chia tiền điện, nước giữa các hộ mỗi tháng cũng là điều khó khăn.

Nhiều năm qua, các hộ dân này vẫn mua bán nhà, đất bằng giấy tờ trao tay như thế này.
Nhiều năm qua, các hộ dân này vẫn mua bán nhà, đất bằng giấy tờ trao tay như thế này.

“Sẽ cho xác minh”

Tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố ở phường Hòa Khánh Bắc vào ngày 11-11, 14 hộ dân nói trên đã bày tỏ khó khăn về việc không được ký hợp đồng điện, nước vì không có hộ khẩu thường trú, tạm trú hay các giấy tờ xác nhận sở hữu nhà đất cần thiết.

Để giải quyết vấn đề này, vừa qua, ông Đặng Ngọc Nhân cho biết, đã xây dựng phương án xử lý cụ thể. Theo đó, UBND phường Hòa Khánh Bắc giao cho Uỷ ban MTTQ Việt Nam phường phối hợp cùng khảo sát, xác minh nguồn gốc nhà đất của các hộ nói trên.

Theo ông Nhân, việc mua bán đất bằng giấy tờ “sang tay” là sai luật. Tuy vậy, “chính quyền địa phương mong ngành điện, ngành nước hết sức cố gắng phối hợp cùng giải quyết những trường hợp này”, ông Nhân nói. 

Thêm vào đó, theo ông Nhân, địa phương cũng sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân nói trên được cấp giấy xác nhận tạm trú để đảm bảo con em của họ được đi học đúng tuyến và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đầy đủ.

Trên thực tế, các hộ dân này ít nhiều cũng biết việc mua đất không giấy tờ là trái pháp luật nhưng vẫn cứ làm liều vì ham rẻ. Thời gian qua, việc mua bán đất không giấy tờ vẫn thu hút nhiều người mua và sinh lời cho nhiều đối tượng.

Việc mua đi, bán lại đất đai trái pháp luật dẫn đến nhiều hệ lụy. Người dân tự làm khổ mình đã đành, chính quyền địa phương cũng khổ trong công tác đảm bảo an sinh xã hội.

Bài và ảnh: KHANG NINH - CTV

;
.
.
.
.
.