Ít ai biết rằng ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) có 1 đội xe ôm kiêm “y sĩ đường phố”. Bền bỉ 10 năm chia nhau túc trực ở chân đèo Hải Vân, ngã ba hầm Hải Vân và ngã ba đường Nguyễn Văn Cừ - Tạ Quang Bửu, đội đã sơ cấp cứu cho nạn nhân gần 80 vụ tai nạn giao thông (TNGT) và xử lý nhiều vụ tai nạn hy hữu khác…
Đội xe ôm an toàn có “cơ sở” tại địa điểm 192 đường Nguyễn Văn Cừ, bền bỉ 10 năm nay làm công tác sơ cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông trên đường. |
Gặp đội xe ôm đặc biệt này ở ngã ba đường Nguyễn Văn Cừ - Tạ Quang Bửu, ông Đặng Thanh Kinh, đội trưởng, cho biết nơi đây là một điểm nóng về TNGT. “Hầu như tháng nào cũng có tai nạn, thường là do xe đi từ đường hầm Hải Vân ra nhanh quá, đâm vào xe đang đi trên đường Nguyễn Văn Cừ”.
Ông Kinh kể, ngay mới tháng 11 vừa rồi, đội đã phải chở 1 thanh niên bị tai nạn khi đi từ đường Tạ Quang Bửu ra đường Nguyễn Văn Cừ đến cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Liên Chiểu.
Đội xe ôm an toàn gồm 10 thành viên này được thành lập năm 2005, xuất phát từ dự án “Phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng” do tổ chức Counterpart International tài trợ.
Dù dự án này đã kết thúc từ năm 2006, nhưng đội vẫn tiếp tục hoạt động đến bây giờ. Theo ông Kinh, mỗi năm, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố và quận Liên Chiểu tổ chức 2 khóa bồi dưỡng kỹ năng sơ cấp cứu. Anh em trong đội chia nhau đi học để rèn “tay nghề”. Còn các loại thuốc men, dụng cụ sơ cứu, lúc thì được phường và quận tài trợ, lúc quá cần kíp thì bỏ tiền túi ra tự mua.
Ông Lương Bá Thành, một thành viên của đội xe ôm an toàn, kể lại vụ việc ông nhớ nhất trong suốt 10 năm làm “y sĩ đường phố” của mình.
Cách đây vài năm, trên đoạn đường tránh Hải Vân xảy ra một vụ tai nạn 2 ô-tô tông nhau, tổng số nạn nhân lên đến xấp xỉ 40. Đội đã huy động hết tất cả thành viên, cùng phối hợp với nhân viên cấp cứu để đưa các nạn nhân từ trên xe xuống, thực hiện sơ cứu tại chỗ và chuyển đi bệnh viện.
“Làm một việc gì đó còn hơn là không làm gì cả”
Thu nhập từ nghề xe ôm chỉ đủ để đắp đổi cuộc sống từng ngày. Vậy mà trong lúc “tác nghiệp”, nếu thiếu băng, gạc, oxy già…, các thành viên của đội lại tự bỏ tiền túi ra mua. Nhiệm vụ “y sĩ đường phố” đòi hỏi phải quan sát tình hình giao thông để kịp ứng cứu người bị nạn, thậm chí là trong lúc đang… bắt khách.
Ông Thành cho biết, có khi đang đưa đón khách thì thấy tai nạn, vậy là các anh sẵn sàng nhượng lại khách cho người khác, còn mình thì lao vào giúp đỡ nạn nhân cho kịp.
Có lúc, ông Kinh kể, ngay cả nạn nhân cũng không chịu hợp tác với mình. Cách đây vài tháng, một thanh niên đi nhậu về khuya, say xỉn tự đâm vào bờ ke đường Nguyễn Văn Cừ; vết thương trên đầu sâu hoắm, dài bằng cả ngón tay.
Vậy mà khi thành viên đội xe ôm đang túc trực ở gần đó đến sơ cứu, người thanh niên này giật phắt miếng băng ra và chửi thề inh ỏi. Trước tình huống đó, người sơ cứu đã phải bình tĩnh nói chuyện, giữ nạn nhân ở nguyên hiện trường rồi gọi cấp cứu đến.
Sau gần 10 năm bền bỉ thực hiện vai trò “y sĩ đường phố”, ngày 15-9-2014, Sở Y tế thành phố đã cấp giấy phép hoạt động cho Điểm sơ cấp cứu CTĐ phường Hòa Hiệp Bắc tại điểm 192 đường Nguyễn Văn Cừ - “trụ sở chính” của đội xe ôm an toàn. Đội trở thành một chi hội của Hội CTĐ phường Hòa Hiệp Bắc, bên cạnh 23 chi hội khu dân cư trên địa bàn phường.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội CTĐ phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, đội xe ôm còn là thành viên tích cực cho hoạt động hiến máu nhân đạo, quyên góp nồi cháo tình thương của Hội CTĐ phường. Các anh còn là nòng cốt của đội phòng chống bão lụt Hòa Hiệp Bắc.
Nói về những việc làm của mình, ông Kinh chỉ cười rồi bảo: “Trên đường đi, mình hãy làm một việc gì đó, còn hơn là không làm gì cả. Máu chảy ruột mềm, việc mình làm ai cũng có thể làm được. Chẳng qua mình làm lâu, nên đã thành quen việc, dạn tay mà thôi.” Khiêm tốn là vậy, nhưng nhìn những con số vụ tai nạn mà các anh đã sơ cấp cứu trên đường, vài bao thuốc lá mà gia đình các nạn nhân mang đến biếu “trả ơn”, mới thấy được cái ấm áp tình người mà những “y sĩ” bình dị này mang lại.
Bài và ảnh: K.NINH - K.HIẾU