.
Qua đơn - thư bạn đọc

10 năm sống trong ngập

.

Hàng chục hộ dân ở khu dân cư (KDC) số 1 phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) nhiều năm nay sống trong thắc thỏm sợ ngập. Chỉ cần một trận mưa kéo dài 30 phút thì mấy ngày sau nước cũng chưa rút hết.

Khu dân cư trước mặt tổ 1A cao hơn cả đầu người (ảnh trái) và tường nhà ông Phạm Khắc Hoan (tổ 2A) bị nứt nẻ nghiêm trọng.
Khu dân cư trước mặt tổ 1A cao hơn cả đầu người (ảnh trái) và tường nhà ông Phạm Khắc Hoan (tổ 2A) bị nứt nẻ nghiêm trọng.

Tình trạng ngập ở KDC số 1 phường Hòa Phát kéo dài chục năm qua, gây đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh bùng phát, đơn kiến nghị của công dân kéo dài…

Ông Đặng Xuân Sâm, Bí thư Chi bộ số 1, đưa phóng viên đi kiểm tra thực trạng ngập quanh KDC số 1 tại các tổ 1A, 1B và 2A. Khu vực tổ 1B và một phần 2A nằm lọt giữa 4 tuyến đường Trường Chinh, Lê Đại Hành, Hà Mục và Bùi Vịnh.

Khi các tuyến đường này được hoàn thành nâng cốt nền, thảm nhựa từ năm 2004 đến nay, khu vực các tổ nói trên trở thành cái túi đựng nước mỗi khi mưa lớn. Không có cống thoát nước nên khi mưa xuống, nước từ các tuyến đường nói trên có cao trình cao hơn nhà dân khoảng 1m, đổ tràn xuống thì việc ngập là điều tất yếu.

Tại nhà bà Nguyễn Thị Huỳnh, tổ trưởng tổ 1B, phần tường từ nền lên khoảng 1m nổi meo mốc lún phún xanh, sơn vôi bong tróc. Phía ngoài vườn, ngay cả cây cảnh cũng phải kê tấm ghi lên cao khỏi mặt đất để chống… ẩm.

Bước vào nhà, khí ẩm bốc cao, muỗi bay vo ve liên hồi. “Tôi đã làm đơn nhiều lần mong sớm được giải tỏa hoặc Nhà nước đổ đất nâng nền theo đúng quy định. Nhưng qua 2 lần kiểm định (nhà bà Huỳnh thuộc dự án KDC phía Nam sân bay), kéo dài suốt 10 năm nay vẫn không được giải quyết. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng quan tâm, xem xét giải quyết để chúng tôi sớm yên ổn cuộc sống, thoát cảnh mưa ngập, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng”, bà Huỳnh nói.

Tại nhà ông Phạm Khắc Hoan (tổ 2A), phía tường sau nhà ông đã nứt, nền nhà gạch block đã bong mạch, đội lên nhấp nhô mỗi mảnh một kiểu. “Tất cả do ngập gây ra. Khi mưa xuống, nước không có lối thoát, chảy ép vào tường sau nhà gây nứt tường, nước chảy ngầm dưới nền nhà khiến đất đội gạch nền lên. Mưa vừa thì nước bì bõm ngang mắt cá, mưa lớn thì nước ngập ngang đầu gối. Nhanh lắm cũng 2-3 ngày nước mới rút”, ông Hoan cho biết.

Tại tổ 1A, tình cảnh ngập nặng nề hơn. Lúc chúng tôi đi kiểm tra thực tế, suốt nhiều ngày không có mưa, nhưng ở đây nước vẫn rỉ ra và chảy thường xuyên, thậm chí bên cạnh nhà ông Dinh có hộ dân đã bỏ nhà đi nơi khác sinh sống vì nước thường xuyên ngập nền nhà. KDC trước mặt nhà ông Dinh có cốt nền cao hơn nền nhà ông đến... 4m.

Nguyên thủy trước đây là hồ và cánh đồng trồng rau muống. Sau khi dự án khu tái định cư Đông Phước- Hồ Xanh (dự án nút giao thông Bắc Hòa Cầm) được thi công, đổ đất san nền năm 2009, hồ trở thành… núi, khu vực nhà dân tổ 1A trở thành vùng lõm chứa nước. Không có lối thoát, nước tự nhiên cứ thế rả rích suốt năm, gặp mưa thì ngập liên miên.

Ông Đặng Xuân Sâm cho biết, tại tổ 1A có hơn chục hộ ở thực tế bị ngập (trên 20 hồ sơ), tổ 1B có số hộ tương đương, tổ 2A có 4 hộ bị ngập thường xuyên (theo ông Phạm Thanh Tịnh, tổ trưởng tổ 2A, số hộ có nguy cơ ngập trong tổ hơn 10 hộ).

“KDC nhiều lần có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng. Qua những lần tiếp xúc cử tri, dân cũng đã có kiến nghị trực tiếp. Nhưng qua bao nhiêu năm vẫn không thấy cơ quan nào xử lý”, ông Sâm cho biết.

Theo ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát, những khu vực nói trên bị ngập nhiều năm nay khiến người dân bức xúc. Hiện các cơ quan chức năng cũng đã có giải pháp xử lý, nhưng kinh phí chưa bảo đảm nên quá trình thực hiện bị chậm.

Theo đó, đối với khu vực tổ 1A phường Hòa Phát (và tổ 34, 35 phường Hòa Thọ Đông), Sở Kế hoạch-Đầu tư đã có báo cáo thẩm định về việc hỗ trợ đổ đất nâng nền với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng, hỗ trợ vật kiến trúc, cây cối, hoa màu trên 7 tỷ đồng, thời gian dự kiến từ năm 2015-2017. Đối với khu vực dự án KDC nam sân bay, sẽ giữ lại để chỉnh trang theo Quyết định số 1009/QĐ-UBND ngày 11-2-2015 của UBND thành phố.

Điều đáng nói, tình trạng ngập kéo dài khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, nguy cơ ô nhiễm môi trường, bệnh dịch bùng phát, nhà cửa xuống cấp… Giải pháp xử lý đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhưng bao giờ triển khai là câu hỏi mà người dân luôn trông đợi được trả lời dứt điểm.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.