.
Qua đơn - thư bạn đọc

Bao giờ hết ngập?

.

Hơn 200 hộ dân ở thôn Cồn Mong (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) nhiều năm nay sống trong cảnh mưa là ngập, cuộc sống bị đảo lộn; ô nhiễm môi trường, nguy cơ bệnh dịch bùng phát...

Nước thải sinh hoạt ứ đọng lâu ngày,  ô nhiễm môi trường ở tổ 1 thôn Cồn Mong.
Nước thải sinh hoạt ứ đọng lâu ngày, ô nhiễm môi trường ở tổ 1 thôn Cồn Mong.

Tình trạng ngập, sông “chết” gây ô nhiễm ở các tổ 5, 6, 7 thôn Cồn Mong trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, khu tái định cư Hòa Xuân được xây dựng nhưng hệ thống hạ tầng vẫn chưa được đấu nối hoàn thiện với khu vực tiếp giáp thôn Cồn Mong.

Con sông Chợ (trước mặt các tổ 5, 6, 7) trước đây thông dòng, sau khi dự án triển khai đã bị lấp, chỉ còn lại hồ nước đọng mà người dân quen gọi “sông chết”, gây ô nhiễm môi trường. “Chỉ cần mưa 30 phút, 60 hộ dân thuộc các tổ nói trên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Mưa lâu hơn chút, cả khu vực trắng nước.

Không chỉ ngập, do nước đọng lâu ngày tràn lên gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ bệnh dịch rất cao. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Chúng tôi đã kiến nghị với các cơ quan chức năng nhiều lần, mong thành phố sớm triển khai dự án để chấm dứt tình trạng trên, nhưng chờ lâu quá”, ông Lê Đình Hùng, trưởng thôn Cồn Mong cho biết.

Chung cảnh ngập như các tổ 5, 6, 7, nhưng ở tổ 1 thôn Cồn Mong, nguyên nhân ngập xuất phát từ cống thoát nước bị ứ tắc, toàn khu vực trong tổ là vùng thấp trũng. “Mưa 15 phút là nước ngập ngang mắt cá, 30 phút nước ngang đầu gối.

Tạnh mưa, nhanh lắm cũng 3-4 tiếng đồng hồ nước mới rút. Cống thoát nước nằm dưới lòng đường liên thôn (Cồn Mong và Miếu Bông) suốt 10 năm nay chưa được khơi thông. Bên cạnh đó, tuyến cống này có cốt cao trình thấp hơn đoạn cống tiếp nối phía dưới (qua quốc lộ 1A, đoạn đi qua ranh giới tổ 5 thôn Cồn Mong và thôn Miếu Bông) nên nước bị đọng lại nhiều”, ông Phạm Tùng, tổ trưởng tổ 1 thôn Cồn Mong cho biết.

Từ tình trạng nước ứ đọng trong lòng cống thoát nước liên thôn này dẫn đến nước thải sinh hoạt bị ứ đọng. Rác thải sinh hoạt cũng bị đẩy vào lòng kênh, ngâm lâu ngày đã bốc mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường.

“Lẽ ra nước thải phải chảy xuôi vào lòng cống thoát nước lớn, đằng này bị chảy ngược vào kiệt (cạnh nhà) và chờ... nắng bốc hơi. Nước thải đen ngòm, hôi thối bốc lên không chịu được. Muỗi nhiều vô kể. Trong tổ đã có trường hợp bị sốt xuất huyết nhập viện. Nguy cơ bùng phát ổ dịch rất lớn. Thế mà đề nghị y tế xã phun thuốc hoài vẫn chưa thấy”, bà Trần Thị Tiến, ở tổ 1 nói.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập ở các tổ 5, 6, 7 thôn Cồn Mong cũng như bảo vệ môi trường, hình thành khu dân cư mới, khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 4299/QĐ-UBND, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình “Hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư phía Nam chợ Miếu Bông”.

Theo đó, diện tích quy hoạch khoảng 77.300m2, phân kỳ đầu tư qua 2 giai đoạn với đầy đủ hạng mục san nền, giao thông nội bộ, thoát nước, điện chiếu sáng, trồng hoa, bó vỉa, cấp nước... Tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện năm 2015 chuẩn bị đầu tư, giai đoạn 1 từ năm 2016-2017, giai đoạn 2 sẽ được làm kế tiếp khi giai đoạn 1 hoàn thành.

Ông Lê Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết, đoạn cống tiếp giáp thôn Miếu Bông và tổ 5 thôn Cồn Mong vừa được hoàn thành; tình trạng ngập ở khu vực này chỉ được giải quyết dứt điểm khi nào dự án của thành phố triển khai, hoàn tất.

Đối với khu vực tổ 1 thôn Miếu Bông, tình trạng ngập diễn ra nhiều năm nay, giải pháp trước mắt sẽ khơi thông cống thoát nước liên thôn. Về lâu dài, xã đã kiến nghị lên huyện cho nâng cấp, cải tạo tuyến cống này, nâng cốt nền để tạo độ nghiêng giúp thoát nước dễ dàng. Tuy nhiên, đến nay huyện chưa trả lời về kiến nghị trên.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.