.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Tình người ở khu dân cư

.

Một buổi tối cuối tháng chạp năm Ất Mùi, cô ruột của em Nguyễn Thị Kim Ngọc (16 tuổi), trú tổ dân phố (TDP) 48, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, đưa em đến một hội trường nhỏ trong con hẻm trên đường Trần Phú để nhận quà Tết từ khu dân cư (KDC) nơi hai cô cháu đang cư trú.

Ngọc là con gái đầu lòng của gia đình nghèo nhất TDP. 16 năm có mặt trên đời là 16 năm Ngọc sống chung với căn bệnh bại não. Em không biết đọc, không biết viết, thậm chí cũng chẳng mấy khi nói được một câu tròn vành rõ chữ. Ôm trong lòng gói quà có gạo, mì ăn liền và thực phẩm ngày Tết, Ngọc chỉ nở nụ cười ngây ngô, bẽn lẽn.

Buổi trao quà Tết hôm ấy dành cho 20 hộ gia đình có trẻ em khuyết tật, gia đình nghèo và gia đình chính sách, trong đó có 18 hộ thuộc KDC 15 phường Hải Châu 1. Điều đặc biệt là những món quà này đều do chính những người hàng xóm trong KDC đóng góp.

KDC 15 bao gồm 4 TDP. Trong khi người dân tổ 48 và 49 hầu hết là công chức hoặc hưu trí, có điều kiện kinh tế vững chắc thì tổ 44 và 45 lại tập trung nhiều lao động chân tay. Trong số 140 hộ của cả KDC, toàn bộ 3 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo đều ở hai TDP 44 và 45. Đã vậy, hai tổ này lại có những bệnh nhân ung thư, tim mạch, thận…, toàn những bệnh hiểm nghèo.

“Chênh lệch” là vậy nhưng KDC 15 đã tổ chức những hoạt động tương trợ lẫn nhau. Buổi trao quà Tết giữa những người hàng xóm nói trên chỉ là một trong số đó. Đằng sau những khoản tiền cho các hoạt động ấm lòng ấy, có một phụ nữ hơn chục năm nay lặng lẽ kêu gọi sự ủng hộ từ các “mạnh thường quân” ngay nơi mình sinh sống.

Bà Phạm Thị Mùi (trú KDC 15, phường Hải Châu 1) vừa là tổ trưởng TDP 48, vừa là Chủ tịch Hội Từ thiện bảo vệ quyền trẻ em phường Hải Châu 1. Bà kể, lúc Ngọc được sinh ra cùng căn bệnh bại não, 11 người trong gia đình em, gồm cả ông bà, cha mẹ, họ hàng phải cùng sống chen chúc trong không gian vỏn vẹn 19m2.

Nhìn cảnh 11 người không ai có nghề nghiệp ổn định, nhà cửa xập xệ, không điện, không nước, bà Mùi nghĩ mình phải làm một điều gì đó cho Ngọc đỡ khổ. Họp KDC, bà vận động người dân quyên góp được 5,7 triệu đồng mua một chiếc xe máy để cha Ngọc chạy xe ôm. Phường Hải Châu 1 hỗ trợ mẹ và cô của Ngọc 2 xe bánh mì để bán buôn sinh sống.

Năm 2005, bà Mùi phối hợp với chính quyền địa phương liên hệ với doanh nghiệp dệt may Hòa Thọ quyên góp tiền để sửa lại nhà, lắp đặt điện, nước, đưa gia đình em Ngọc thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Năm này qua năm khác, “lá lành đùm lá rách” đã trở thành nếp trong KDC, đồng thời cũng hình thành một quỹ ổn định để giúp đỡ 20 hộ khó khăn nhất trong những ngày lễ, Tết. Ngày 27-7 hằng năm, những “người hàng xóm” còn dành ra một khoản quỹ nhỏ để mua quà, bánh kẹo, hoa tặng cho 14 cựu chiến binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng… đang sinh sống ngay trong KDC. Cứ vậy, truyền thống ấy được duy trì hơn chục năm nay.

Còn với các cháu thiếu nhi trong KDC, bà Mùi bảo: “Cứ hè đến là chúng tôi “gom” hết các cháu từ lớp 3 trở lên, tổ chức cho đi chơi một chuyến”. Huế, Hội An, Bãi Bụt… nơi nào cũng đã in dấu chân các bà cháu. Thức ăn do các bà, các mẹ tự nấu gói theo.

Thấy hoạt động có ý nghĩa, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ phường… cử các thanh niên đi theo hỗ trợ, giám sát các cháu. Những dịp đi chơi như vậy, các cháu con nhà khá giả hay nhà khó khăn cũng đều ăn chung một mâm, ngủ chung một lều, chơi chung một trò…

Giữa nơi phố xá đô thị phát triển thuộc loại bậc nhất thành phố, KDC 15 của phường Hải Châu 1 vẫn như một cành cây, có chiếc lá lành đùm bọc lá rách. Ở đó, tình người vẫn như ánh lửa lặng thầm và bền bỉ sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.