.
Qua đơn - thư bạn đọc

Lo đường vành đai thành đê chắn lũ

.

Vừa qua, các hộ dân thôn Lệ Sơn 2 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang phản ánh việc xây dựng tuyến đường vành đai phía Nam nối dài (đường Hòa Phước - Hòa Khương) dễ thành đê chắn lũ vì bố trí cống qua sông Tây Tịnh và cánh đồng không đủ thoát lũ; đồng thời kiến nghị xây dựng cầu cạn hoặc cống có khẩu độ lớn hơn.

Một đoạn sông Tây Tịnh phục vụ thi công cống thoát lũ để làm đường công vụ và đê quai.
Một đoạn sông Tây Tịnh đang làm đường công vụ và đê quai phục vụ thi công cống thoát lũ

Đưa phóng viên đi thực tế hiện trường đang xây dựng đường vành đai phía Nam nối dài và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, người dân thôn Lệ Sơn 2 cho biết, trong khi tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xây dựng một cầu lớn qua sông Tây Tịnh thì ở hạ lưu, tuyến đường vành đai phía Nam nối dài chỉ bố trí 5 cống hộp có khẩu độ 5m x 5m.

Sông Tây Tịnh là một trong những hướng thoát lũ chính của sông Yên, lưu tốc lũ rất lớn, khi tràn sông thì lũ thoát qua cánh đồng về hạ du. Vì thế, khi công trình đường vành đai phía Nam nối dài bố trí cống có khẩu độ nhỏ qua sông Tây Tịnh và qua cánh đồng thì đường rất dễ biến thành đê chắn lũ.

Người dân cũng lo ngại việc thi công tuyến đường này sẽ lấp hoặc chặn các tuyến mương thủy lợi tưới cho cánh đồng lúa từ trạm bơm Lệ Sơn. “Chỉ bố trí 5 cống hộp có khẩu độ 5m x 5m để thoát lũ qua sông Tây Tịnh là quá hẹp, nếu có lũ lụt thì nước bị ứ lại ở hạ lưu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trước đây, nhân dân thôn Lệ Sơn 2 đã đề nghị xây dựng cầu, cống có khẩu độ lớn trên đường vành đai phía Nam nối dài nhưng không được. Nay người dân trong thôn tiếp tục kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền can thiệp gấp việc bố trí cầu lớn qua sông Tây Tịnh để thoát lũ”, ông Đặng Nghi, Trưởng thôn Lệ Sơn 2 nói.

Các đoạn kênh, mương thủy lợi bị tuyến đường cắt ngang sẽ được hoàn trả thông qua hệ thống cống ngang.
Các đoạn kênh, mương thủy lợi bị tuyến đường cắt ngang sẽ được hoàn trả thông qua hệ thống cống ngang.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại bản thuyết minh thiết kế cơ sở của công trình tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương thuộc hợp phần 3 của dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng do các cơ quan chức năng cung cấp, có tổng cộng 33 cống tròn, cống hộp ngang đường và 2 cầu lớn (bắc qua sông Quá Giáng và sông Yên) được bố trí trên suốt chiều dài 7,77km của công trình (trung bình cứ 222m chiều dài được bố trí hệ thống thoát nước ngang).

Các cống thoát lũ được thiết kế với tần suất lũ 5%, chu kỳ tràn cống 5 năm (theo đúng quy định TCVN 7957-2008 và ứng với mực nước lũ tính toán được phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Riêng cống qua sông Tây Tịnh (tại Km4+400) được điều chỉnh thiết kế gồm 6 cống hộp có khẩu độ 5m x 6m. Bản thuyết minh thiết kế cơ sở của công trình khẳng định, với số lượng cống, mương thoát nước nhiều và có kích thước như đã thiết kế sẽ bảo đảm việc tiêu thoát nước được nhanh chóng, góp phần hạn chế ngập lụt. Còn các kênh mương tưới tiêu bị tuyến đường cắt ngang qua sẽ được hoàn trả dòng chảy thông qua các cống ngang trên tuyến, bảo đảm phục vụ sản xuất.

Bài và ảnh: NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.