.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Xóm nhà tạm giữa phố

.

Cuộc sống nghèo khó trong những “nóc nhà” dựng tạm bằng tôn cũ, ván ép, diện tích nền chưa quá 30m2. Thu nhập bấp bênh, an ninh phức tạp, nguy cơ cháy nổ cao. Đó là tình cảnh chung của khoảng 30 hộ dân tại các tổ 14, 15, 16 phường An Hải Tây (quận Sơn Trà), tạo nên một “khu ổ chuột” giữa lòng thành phố.

Nguy cơ cháy nổ cao từ những đám dây điện rũ lòng thòng trên các nóc nhà tạm  tổ 14.
Nguy cơ cháy nổ cao từ những đám dây điện rũ lòng thòng trên các nóc nhà tạm tổ 14.

Ông Thạch Sanh (ở tổ 14) là hộ thuộc diện giải tỏa dự án An Mỹ mở rộng, được cấp chung cư vào năm 2005. Năm 2007, sau khi gây một vụ tai nạn giao thông, ông bán chung cư để đền tiền cho nạn nhân, số dư dùng để mua xe máy chạy xe ôm và dựng lại cái lán tại nền nhà cũ (đã bàn giao mặt bằng trước đó - PV), đưa cả gia đình về chung sống từ đó đến nay.

Mồng 8 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nhà ông Sanh bị cháy rụi. Hàng xóm quyên góp, giúp ông dựng lại nhà với giá trị 14 triệu đồng. Nhà mới được xây bằng gạch, thay cho ván ép và tôn ghép. Cái gọi là nhà ấy vỏn vẹn 17m2 cho 7 người ở, có gác lửng, phòng ngủ, gian thờ…

Ngày thường, người lớn ra chái cạnh gian bếp vừa đủ kê một cái giường để ngủ. Bếp nấu bằng than củi. Kế gian bếp là chỗ rửa chén bát, nước tự ngấm vào đất, chứ không có lối thoát nước. Nhà vệ sinh cũng tạm bợ. “Sống lâu như thế này, quen rồi. Biết việc xây dựng “nhà mới” là sai phạm, nhưng tình cảnh mình như thế, chính quyền, người dân xung quanh thương, nên để cho tồn tại. Cũng chẳng biết ngày mai sẽ ra sao”, người đàn ông gốc Campuchia này nói.

Ở tổ 14, có 5 gia đình đồng cảnh ngộ như ông Thạch Sanh. Bà Nguyễn Thị Vang đã có đất, chuyển hộ khẩu về phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) sinh sống, vẫn trở lại xóm cũ này, che tạm lại nhà để mưu sinh. Bà Mai Thị Bạn và con cái của bà cũng thế. Bà Bạn được đền bù 70 triệu đồng, mua mảnh đất 40m2 không đủ để cả gia đình ở. Vợ chồng người con gái là Lê Thị Kim Đính về lại khu đất cũ dựng lều ở tạm, buôn bán nhỏ kiếm sống qua ngày. Người con trai bà Bạn cắt một ít đất từ nền cũ nhà bà rồi dựng tôn lên thành nhà để ở.

Không riêng 5 nhà ở tổ 14, theo quan sát của chúng tôi, còn 7-8 nhà ở tổ 15, khoảng 16 nhà ở tổ 16 và 2 nhà ở tổ 3 cũng là nhà tạm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá An, Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, chỉ thừa nhận 17 hộ ở các tổ 14, 15, 16 là nhà tạm. Trường hợp thành phố triển khai dự án và thu hồi đất, phường sẽ có trách nhiệm vận động người dân tháo dỡ, trả lại mặt bằng; còn không thì vẫn để yên cho xóm nhà tạm tồn tại.

Bà Hồ Thị Hương, vợ ông Thạch Sanh, đang nấu ăn ở “căn bếp”… lộ thiên.
Bà Hồ Thị Hương, vợ ông Thạch Sanh, đang nấu ăn ở “căn bếp”… lộ thiên.

Hàng trăm con người tồn tại trong “khu ổ chuột” nói trên mưu sinh bằng đủ thứ nghề: “thợ đụng”, buôn thúng bán bưng, bảo vệ, rửa chén bát thuê… Nhìn 30 đứa trẻ dưới 18 tuổi ở khu nhà tạm tại tổ 16, nhiều người không khỏi âu lo cho tương lai của chúng, dù vẫn được đến trường. Với hơn 90% số hộ “nhà tạm” là hộ nghèo thì mai này các em sẽ ra sao? Bên cạnh đó, nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn trong “khu ổ chuột” nói trên. Không chỉ nhà ông Sanh mới bị cháy, năm 2013, nhà tạm của bà Trần Thị Phượng (ở tổ 16) cũng cháy do chập điện…

Ông Đoàn Công Út, tổ trưởng tổ 16 cho biết, trong tổ có 38 hộ thì 16 nhà là nhà tạm trong khu dự án An Mỹ mở rộng. Các “nóc nhà” tạm của tổ 16 có cùng kiểu “xây dựng” như ở tổ 14, tức là được dựng bằng tôn và ván ép. Chỉ khác một điều, ở tổ 14, 5 “nóc nhà” thẳng hàng sát cạnh thì 16 “nóc nhà” ở tổ 16 lồi ra, thụt vào khá lộn xộn.

Theo ông Út, ngoài những người dân đã được giải tỏa quay về chỗ cũ sinh sống, còn một vài hộ dân khác trong xóm, sau khi con cái dựng vợ gả chồng đã cho ra ở riêng bằng cách… dựng nhà tạm ngay trên những mảnh đất trống gần đó. Hễ thấy người này “che” được, người kia cũng muốn “che”. Dần dà, trong tổ xuất hiện một xóm nhà tạm. Ông Út cho biết, toàn bộ dân trong xóm nhà tạm đều là lao động phổ thông, 16 hộ thì hết 14 hộ nghèo, 2 hộ còn lại không được xét vì… không có hộ khẩu.

Ông Nguyễn Bá An cho biết, có khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án An Mỹ mở rộng (số hộ có nhà tạm đều nằm trong diện này). Tuy nhiên, phường không nắm cụ thể số hộ đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng và số hộ dang dở bởi dự án dừng giữa chừng. Còn ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh văn phòng UBND quận Sơn Trà cho biết, dự án An Mỹ (hay An Mỹ mở rộng) đã được “khóa sổ”, không có việc dự án bị ngưng giữa chừng.

Bài và ảnh: KHANG NINH - TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.