Báo Đà Nẵng nhận được đơn kiến nghị của ông Trương Văn Chiến, về vụ án tranh chấp tài sản chung tại số nhà 77 Lê Đình Lý (77 LĐL), Đà Nẵng kéo dài quá lâu, trải qua nhiều cấp tòa nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Vụ việc này khiến gia đình ông Chiến hao tổn tinh thần, tiền bạc, dù ông chẳng hề liên quan đến việc tranh chấp tài sản nhà và đất 77 LĐL.
Nhà và đất 77 Lê Đình Lý đang diễn ra tranh chấp. |
Theo đơn kiến nghị, ông Chiến mua nhà và đất tại số 77 LĐL, đã được các cơ quan chức năng chứng nhận. Việc mua bán ngay tình, đúng pháp luật, nhưng Tòa án các cấp lại đưa vào làm bị đơn trong vụ kiện đòi lại tài sản chung giữa bà Trần Thị Bích Ngọc (mẹ) và bà Nguyễn Thị Phú Mỹ (con).
Vụ án đã được xét xử từ cấp sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm, 2 lần giám đốc thẩm Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao và 1 lần Hội đồng thẩm phán TAND tối cao kéo dài từ năm 2008 đến 2014. “Từ khi nhận quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đến nay về việc hủy tất cả các phiên tòa trước đó để xét xử lại theo quy định đã hơn 2 năm, nhưng các cấp tòa vẫn chưa xét xử lại khiến gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn”, ông Chiến cho hay.
Vụ án tranh chấp tài sản chung liên quan đến nhà và đất tại số 77 LĐL, giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Bích Ngọc, trú 627 Nguyễn Lương Bằng, Đà Nẵng (Việt kiều Mỹ); bị đơn là bà Nguyễn Thị Phú Mỹ, ông Phạm Thành Trung (chồng bà Mỹ) cùng trú 14/8 Đinh Tiên Hoàng, Đà Nẵng và ông Trương Văn Chiến, trú tổ 62 phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
Nội dung vụ án (tóm tắt) được thể hiện qua hồ sơ: Năm 2003, bà Mỹ có mua một miếng đất tại 77 LĐL với số tiền 1,1 tỷ đồng (trong đó bà Mỹ có 750 triệu đồng, còn lại mượn của bà Ngọc 350 triệu đồng). Sau khi thỏa thuận, bà Ngọc hợp tác xây dựng căn nhà trên miếng đất của bà Mỹ với số tiền 1,45 tỷ đồng.
Vậy, bà Mỹ nợ bà Ngọc số tiền 1,8 tỷ đồng (căn nhà đã được cầm cố tại ngân hàng số tiền 1 tỷ đồng). Điều này đã được ghi trong giấy thỏa thuận công nợ giữa bà Ngọc và bà Mỹ lập năm 2005. Ngày 10-9-2007, ông Trung và bà Mỹ bán nhà và đất tại 77 LĐL cho các ông Nguyễn Hữu Đấu, Nguyễn Hữu Vành và Trương Văn Chiến, được Phòng công chứng số 3 chứng nhận (sau đó, ông Chiến đứng tên làm chủ nhà và đất 77 LĐL).
Bà Trần Thị Bích Ngọc khởi kiện, cho rằng nhà, đất tại 77 LĐL là tài sản chung giữa bà và bà Mỹ, yêu cầu Tòa án bác bỏ hợp đồng mua bán giữa bà Mỹ và ông Chiến.
Quyết định giám đốc thẩm số 30/2014/DS-GĐT ngày 10-7-2014 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tuyên hủy tất cả các phiên tòa xét xử vụ án trước đó, dẫn giải: các phiên tòa xét xử trước đó từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm và Tòa dân sự TAND tối cao chưa xác định đầy đủ các điều kiện ràng buộc trong mối quan hệ về tài sản chung giữa bà Ngọc và bà Mỹ đối với việc mua đất, làm nhà tại 77 LĐL, từ đó đưa ra những phán quyết thiếu cơ sở vững chắc.
Quyết định này nêu rõ: Trong khi chưa xác minh, thu thập được đầy đủ các chứng cứ làm rõ các vấn đề nêu trên, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu của bà Ngọc đề nghị hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất giữa bà Mỹ và ông Chiến là chưa đủ cơ sở vững chắc.
Tòa án cấp phúc thẩm xác định bà Ngọc góp tiền cho bà Mỹ mua nhà đất nên nhà, đất tranh chấp là tài sản chung của bà Ngọc và bà Mỹ, do bà Mỹ bán nhà, đất không được sự đồng ý của bà Ngọc, từ đó tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất giữa bà Mỹ và ông Chiến vô hiệu cũng chưa có đủ cơ sở vững chắc.
Tại Kháng nghị số 19/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 4-2-2010, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 244/DS-GĐT ngày 25-3-2011, Hội đồng giám đốc thẩm Tòa dân sự TAND tối cao không phát hiện ra những sai sót của Tòa án cấp phúc thẩm, từ đó quyết định giữ nguyên hiệu lực của bản án phúc thẩm là không có căn cứ.
Ngày 10-7-2014, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ra quyết định: Hủy Quyết định giám đốc thẩm số 244/DS-GĐT ngày 25-3-2011 của Tòa dân sự TAND tối cao, hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 56/2009/DS-PT của TAND thành phố Đà Nẵng, hủy Quyết định giám đốc thẩm số 215/2009/DS-GĐT của Tòa dân sự TAND tối cao, hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 46/2008/DS-PT của TAND thành phố Đà Nẵng và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 150/2008/DS-ST của TAND quận Thanh Khê đối với vụ án kể trên. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Thanh Khê xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định.
Phóng viên Báo Đà Nẵng đã làm việc với đại diện TAND quận Thanh Khê, được biết do có yếu tố nước ngoài, nên không đủ thẩm quyền xét xử và đã chuyển hồ sơ vụ án lên TAND thành phố Đà Nẵng xét xử. Trao đổi với đại diện TAND thành phố Đà Nẵng, được biết hiện đang có thẩm phán phụ trách thụ lý vụ án. Bao giờ phiên tòa xét xử lại được diễn ra là câu hỏi đau đáu của ông Trương Văn Chiến để ông và gia đình sớm được ổn định cuộc sống.
Ngày 6-4-2016, 6 án lệ đầu tiên của Việt Nam đã được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thông qua và được Chánh án TAND tối cao ban hành kèm theo Quyết định số 220/QĐ-CA; các TAND và Tòa án quân sự trên toàn quốc có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử kể từ ngày 1-6-2016. Trong 6 án lệ, án lệ số 2 có nội dung gần tương tự với vụ án tranh chấp tại nhà đất 77 Lê Đình Lý. Khái quát nội dung của án lệ: Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu. |
Bài và ảnh: TRỌNG HUY