Báo Đà Nẵng nhận được phản ánh qua đường dây nóng về việc công trình xây dựng tại số nhà 53 Ba Đình (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) trong quá trình thi công đã gây sụt lún, nứt tường nhà bên cạnh (51 Ba Đình). Vụ việc xảy ra cách đây gần một tháng, đã qua nhiều lần hòa giải tại phường nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm. Phía chủ nhà bị thiệt hại cho rằng, chính quyền địa phương xử lý vụ việc thiếu công bằng.
Công trình xây dựng nhà ở số 53 Ba Đình đã được UBND phường Thạch Thang cho thi công trở lại sau 3 tuần tạm dừng. Ảnh: TRỌNG HUY |
Ông Lê Tự Lý (90 tuổi) cùng vợ năm nay 89 tuổi hiện sống tại nhà số 51 Ba Đình. Ông Lý cho biết, ngôi nhà này tồn tại gần 50 năm nhưng vẫn vững chãi, không có biểu hiện xuống cấp. Trước đây, nhà số 49 Ba Đình cũng xây dựng cao tầng nhưng thi công bảo đảm nên không gây ảnh hưởng đến nhà của ông. Cách đây 2 tháng, nhà 53 Ba Đình được đập và làm móng xây nhà mới.
Trong quá trình thi công đào móng, khoan cọc nhồi bê-tông đã gây nứt nẻ, sụt lún móng nhà của gia đình ông. “Bây giờ, hai căn phòng sát nhau có tường áp sát với nhà 53 Ba Đình bị nứt, lún nghiêm trọng. Sau gần 3 tuần họ dừng thi công, nay đã hoạt động trở lại. Chúng tôi đã kiến nghị với UBND phường Thạch Thang nhưng xem ra cách giải quyết của phường không bảo đảm công bằng, nghiêm minh. Trong khi chưa giải quyết xong giữa bên gây thiệt hại và bị hại nhưng đã cho thi công trở lại”, ông Lý nói.
Chúng tôi có mặt tại nhà ông Lý, ghi nhận tình trạng sụt lún, nứt nẻ tường hai căn phòng sát nhau phía bờ tường giáp nhà số 53 Ba Đình. Được biết, sau buổi làm việc lần đầu ngày 30-6, chủ nhà số 51 Ba Đình đã thuê đơn vị thẩm định về mức độ thiệt hại để có cơ sở tính giá trị đền bù. “Theo quy định, khi chưa có kết quả thẩm định, hai bên chưa thỏa thuận được phương án đền bù thì UBND phường buộc chủ công trình phải dừng thi công. Tuy nhiên, không hiểu sao chính quyền địa phương vẫn tiếp tục cho thi công trở lại đối với căn nhà số 53 Ba Đình”, vị đại diện đơn vị thẩm định nói.
Ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND phường Thạch Thang cho biết, sau buổi hòa giải lần hai ngày 20-7, UBND phường đã đồng ý chủ công trình thi công trở lại khi đã ký quỹ bảo lãnh tại ngân hàng (300 triệu đồng). Mặc dù hai bên chưa tìm được tiếng nói chung nhưng cho thi công trở lại để “bảo đảm chất lượng công trình và mỹ quan đô thị, không gây nhếch nhác cũng như ô nhiễm môi trường xung quanh”.
Khi được hỏi phường dựa vào cơ sở nào để cho công trình thi công trở lại, ông Sơn cho rằng, dựa trên kết quả dự toán ban đầu của phía chủ nhà bị hại (tương đương khoảng 250 triệu đồng). Theo ông Sơn, nếu căn cứ quy định, sau khi có kết quả thẩm định mới cho phép thi công trở lại, nhưng thời gian thẩm định quá dài (30 ngày không kể ngày nghỉ) sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng công trình xây dựng. Cách giải quyết này theo đại diện chủ nhà số 51 Ba Đình là không thỏa đáng, chưa đúng tinh thần theo quy định của pháp luật.
Theo Thông tư số 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng, tại Điều 3, quy định về xử lý công trình xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận, có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận quy định tại khoản 2, khoản 4, Điều 13; khoản 2, khoản 5, Điều 27 của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP: Tổ chức, cá nhân có hành vi tổ chức thi công xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 13; khoản 2, khoản 5 Điều 27 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, đồng thời bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP. Tại mục (d) của điều này, sau 30 ngày mà tổ chức giám định không cung cấp kết quả giám định, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định sử dụng kết quả giám định ban đầu làm cơ sở xác định bồi thường thiệt hại. Bên gây thiệt hại có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và chuyển đủ số tiền bồi thường theo kết quả giám định vào tài khoản đó. Sau khi bên gây thiệt hại đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản tại ngân hàng, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cho phép tiếp tục thi công. |
TRỌNG HUY