.

Vụ "Chiêu trò mới của hàng rong": Nghiên cứu cách xử lý phù hợp

.

Sau khi Báo Đà Nẵng số ra ngày 12-7-2016 đăng bài viết “Chiêu trò mới của hàng rong”, lực lượng chức năng của phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) đã nhắc nhở, chấn chỉnh các trường hợp khoác trang phục thú hoạt hình bán hàng rong gây bức xúc cho người dân và du khách đến tham quan, giải trí trước bến du thuyền DHC Marina (đường Trần Hưng Đạo) và khu vực cầu Rồng.

Một số sinh viên khoác trang phục thú hoạt hình và bán hàng rong ở khu vực bến du thuyền DHC Marina và cầu Rồng đang gây bức xúc trong dư luận.		 Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một số sinh viên khoác trang phục thú hoạt hình và bán hàng rong ở khu vực bến du thuyền DHC Marina và cầu Rồng đang gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo UBND phường An Hải Tây, số người khoác trang phục thú hoạt hình bán hàng rong tăng nhanh chóng trong thời gian qua (từ 3 trường hợp lên gần 15 trường hợp), chủ yếu hoạt động vào tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Vào giữa tháng 7, đã xảy ra vụ đánh nhau giữa những người này để tranh giành địa bàn, gây mất an ninh trật tự.

Tối 24-7, lực lượng chức năng phường An Hải Tây đã mời một nhóm gồm 3 người khoác trang phục thú hoạt hình và 3 người phụ bán kẹo trước bến du thuyền DHC Marina về trụ sở UBND phường để làm việc. “Chúng tôi cứ tưởng hoạt động này do sinh viên tự phát làm thêm nên mời các em về trụ sở của phường để nhắc nhở, tuyên truyền, đồng thời muốn thông qua các em để nắm thêm tình hình, qua đó có biện pháp xử lý phù hợp. Biết các sinh viên sử dụng trang phục và bán kẹo cho một chủ tên là Hạnh rồi lấy hoa hồng nên trước mắt đã yêu cầu dừng bán hàng rong ở khu vực cấm này”, ông Nguyễn Đình Vương, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây cho biết.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, quận đã tiếp nhận thông tin về những sinh viên khoác trang phục thú hoạt hình bán hàng rong gây bức xúc đối với người dân và du khách. Qua phản ánh, được biết, các sinh viên này bán kẹo với giá từ 10.000-15.000 đồng/cây, lại có hành động như giúi vào tay hoặc đưa kẹo trước mặt trẻ con, khiến cha mẹ không thể không mua cho con.

Đồng thời, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm của hình thức buôn bán này. Song, qua đây cũng có thể thấy, việc một số người khoác trang phục thú hoạt hình làm hoạt náo ở những khu vực này cũng là một hình thức mới nhằm làm đa dạng hoạt động bên bờ sông Hàn.

Vấn đề là cách thức tổ chức như thế nào cho hợp lý để tạo sự thích thú với người dân và du khách. Quận cũng sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về cách xử lý các trường hợp khoác trang phục thú hoạt hình bán hàng rong gây bức xúc ở khu vực này.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.