Bạn đọc

Qua đơn - thư bạn đọc

Cần giải quyết kiến nghị của 13 hộ dân ở Cẩm Nam

08:10, 02/12/2016 (GMT+7)

Năm 2004, sau khi bị giải tỏa trắng, 91 hộ dân ở hai thôn Bàu Cầu và Cẩm Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) được UBND huyện tạo điều kiện bố trí mỗi hộ 1 lô đất trong quy hoạch khu dân cư tại hai thôn, thu tiền sử dụng đất.

Một năm sau, khu đất này đưa vào quy hoạch dự án Khu tái định cư (TĐC) khu A Nam cầu Cẩm Lệ. Do quá trình giải quyết cấp đất ở (mới) của UBND huyện Hòa Vang lúc đó cho người dân có sai sót, dẫn đến việc 13 hộ dân (trong số 91 hộ nói trên) là dân gốc ở thôn Cẩm Nam kiến nghị kéo dài đến nay.

Bà Phan Thị Xết là phụ nữ đơn thân, nuôi con bệnh tật, không có nhà, phải ở tạm sau lưng nhà thờ tộc Phan - là một trong số 13 hộ ở thôn Cẩm Nam kiến nghị kéo dài.
Bà Phan Thị Xết là phụ nữ đơn thân, nuôi con bệnh tật, không có nhà, phải ở tạm sau lưng nhà thờ tộc Phan - là một trong số 13 hộ ở thôn Cẩm Nam kiến nghị kéo dài.

Theo tìm hiểu, việc phân lô bố trí đất cho hộ dân có nhu cầu đối với 91 lô đất vào khu quy hoạch thôn Bàu Cầu và thôn Cẩm Nam được UBND huyện Hòa Vang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở, giao cho UBND xã Hòa Châu bố trí. Tiền sử dụng đất mỗi lô tương đương 21 triệu đồng. Sau khi có GCNQSDĐ, các hộ chủ động tập kết vật liệu để xây dựng nhà, nhưng lại có thông báo từ UBND xã Hòa Châu về việc diện tích khu quy hoạch trên nằm trong dự án quy hoạch mới (TĐC khu A Nam cầu Cẩm Lệ), yêu cầu dừng việc xây dựng để tránh phát sinh thiệt hại.

Năm 2007, dự án Khu TĐC khu A Nam cầu Cẩm Lệ triển khai, san nền, phân lô, người dân ngăn cản. Nhưng do nhận được lời hứa “bảo lãnh” quyền lợi từ lãnh đạo UBND xã lúc đó là ông Phùng Kiệm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, nên họ chấp hành để dự án tiếp tục làm.

Ông Lê Diện, người đứng đơn đại diện 13 hộ có đơn kiến nghị cho biết: “Sau “lời hứa” của lãnh đạo xã, từ đó đến nay, 8 năm trôi qua, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng không có cơ quan nào đứng ra giải quyết.

Trong khi chúng tôi còn giữ GCNQSDĐ mà đất thực tế đã thuộc người khác. Quá trình thu hồi đất, triển khai dự án, đền bù, hỗ trợ liên quan đến đất thuộc quyền sử dụng, chúng tôi đều không biết. Đến nay, chỉ 7/13 hộ nhận được thông báo áp giá đền bù lập từ năm… 2011”. Trong số 13 hộ, rất nhiều hộ là gia đình chính sách. Là người địa phương nên họ mong muốn được TĐC tại chỗ. Tuy nhiên, họ được biết sẽ phải nhận đất TĐC tại thôn Giáng Nam 2, xã Hòa Phước.

Liên quan đến kiến nghị kéo dài của 13 hộ dân thôn Cẩm Nam, trong số 91 lô đất thuộc vùng giải tỏa dự án Khu TĐC khu A Nam cầu Cẩm Lệ, có 1 hộ được TĐC tại chỗ và đền bù giá 264.000 đồng/m² do đã làm nhà ở hơn 2 năm trước đó.

Số hộ còn lại không được bố trí TĐC, chỉ nhận tiền đền bù đất ở mức thấp nhất là 79.000 đồng/m2, hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/lô. Năm 2013, thành phố hủy quyết định cũ (5810/UBND-QLĐBGT ngày 29-9-2011), thay thế bằng quyết định mới, bố trí 90 hộ nói trên vào TĐC tại thôn Giáng Nam 2, xã Hòa Phước, hủy bỏ hỗ trợ 20 triệu đồng/lô. 13 hộ không đồng ý nhận đất tại Giáng Nam 2 và tiếp tục kiến nghị kéo dài.

Ông Nguyễn Lối, Trưởng thôn Cẩm Nam xác nhận 13 hộ là dân Cẩm Nam, có nguyện vọng chính đáng. Ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cũng cho biết, nguyện vọng người dân là xác thực. Xã đã có kiến nghị gửi UBND huyện, mong muốn cơ quan chức năng ưu tiên giải quyết kiến nghị của 13 hộ nói trên.

Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, việc cấp GCNQSDĐ trước đây của UBND huyện là do nóng vội dẫn đến sai sót. Thành phố đã giải quyết linh động, tạo điều kiện cho các hộ có đất TĐC ở thôn Giáng Nam 2 là hợp lý. Vì vậy, kiến nghị TĐC tại chỗ của 13 hộ nói trên là không thể giải quyết.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

.