Bạn đọc

Vấn đề bạn đọc quan tâm

Nỗi lo nhà siêu nhỏ hậu quy hoạch "treo"

08:03, 08/03/2017 (GMT+7)

Dự án nút giao thông đầu tuyến Đống Đa - Lê Lợi - Trần Quý Cáp (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) quy hoạch “treo” hơn 20 năm làm 4 hộ dân sống tại đây rất bức xúc. Đến nay, dự án đã được xóa quy hoạch “treo” nhưng phát sinh nỗi lo xây dựng nhà siêu nhỏ, thậm chí siêu mỏng.

Những căn nhà nhỏ lụp xụp, xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 20 năm quy hoạch “treo”.
Những căn nhà nhỏ lụp xụp, xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 20 năm quy hoạch “treo”.

Đến đầu nút giao thông Đống Đa - Lê Lợi - Trần Quý Cáp, dễ thấy có 4 căn nhà nhỏ, lụp xụp, chật chội và xuống cấp đã lâu, nằm nhô ra đầu dãy nhà phố cao tầng, hiện đại. Theo bà Lê Thị Thanh Hương (số 55 Đống Đa), thành phố có chủ trương giải tỏa cả 4 hộ từ thời chưa chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, nhưng không giải tỏa để thực hiện quy hoạch.

Cuối năm 2015, cả 4 hộ gia đình được mời đến trụ sở UBND phường Thạch Thang để làm việc liên quan đến đất đai và quy hoạch. Đến tháng 2-2017, người dân mới biết có chủ trương tạm dừng giải tỏa. “Hiện tại, nhà cửa xuống cấp trầm trọng, cần sửa chữa. Mong các cơ quan chức năng quan tâm xem xét, tạo điều kiện cho sửa chữa nhà để tiện việc kinh doanh, buôn bán...”, bà Hương kiến nghị.

Theo UBND phường Thạch Thang, đến giữa tháng 2-2017, phường nhận được Thông báo số 01/TB-VP ngày 3-1-2017 của Văn phòng UBND thành phố, thông báo kết luận của lãnh đạo thành phố về chủ trương đầu tư một số đồ án quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn thành phố.

Theo đó, lãnh đạo thành phố thống nhất theo đề xuất của Sở Xây dựng về việc tiếp tục để tồn tại các hộ dân khu vực nút giao thông đầu tuyến Đống Đa - Lê Lợi - Trần Quý Cáp theo hiện trạng, quản lý xây dựng theo quy hoạch. UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) theo quy định. Hiện nay, phường phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành các thủ tục để cấp sổ đỏ cho dân.

Tuy nhiên, một số vướng mắc, khó khăn nảy sinh là các hộ có diện tích đất rất nhỏ, không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà ở. Thậm chí, nếu cộng dồn diện tích đất của 2 hộ Nguyễn Thị Liên và Lê Phước Tâm (cùng ở số 2 Lê Lợi) thì chưa đủ 30m2 đất để đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà. Giả sử cả 2 hộ này đều được cấp phép xây dựng, sẽ xuất hiện nhà siêu nhỏ; nếu chừa khoảng lùi theo quy định, sẽ xuất hiện nhà siêu mỏng.

Một khi đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì phải tạo điều kiện cho người dân xây dựng, sửa chữa lại nhà ở do quy hoạch “treo” đã quá lâu, nhà cửa đã xuống cấp trầm trọng. Nhưng UBND thành phố chỉ đạo phải “quản lý xây dựng theo quy hoạch”. Trước thực tế những mâu thuẫn và vướng mắc nảy sinh, các đơn vị liên quan cần sớm có biện pháp giải quyết thỏa đáng để vừa tạo điều kiện cho người dân có nhà ở an toàn, vừa tránh trường hợp xây dựng nhà ở siêu nhỏ, siêu mỏng.

Bài và ảnh: NAM TRÂN

.