Khắc phục sụt lún ở khu tái định cư

.

Người dân ở khu tái định cư (TĐC) Bá Tùng mở rộng (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) bức xúc vì nhiều vị trí bị sụt lún nền đường, nền nhà, hư hỏng hệ thống thoát nước…, nhất là tại khu vực xung quanh một ngã tư (nút T35) giáp ranh giữa khu TĐC Bá Tùng giai đoạn 2A và 2B.

Một đoạn bó vỉa bị nứt do sụt lún.
Một đoạn bó vỉa bị nứt do sụt lún.

Theo Sở Xây dựng, qua kiểm tra, tại các vị trí đều đạt độ chặt theo hồ sơ thiết kế nhưng cao trình tại nhiều vị trí thấp hơn tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, ở khu TĐC Bá Tùng mở rộng giai đoạn 1, đối với hạng mục san nền, nền đất giao cho dân xây dựng nhà, cao trình thấp hơn thiết kế từ 14,9 - 93cm.
Ở khu TĐC Bá Tùng mở rộng - giai đoạn 2A, tại nút T35 và khu vực lân cận, nền đường có cao trình chênh lệch lớn nhất là 69,3cm, nền đất giao cho dân chênh lệch đến 62,1cm.

Ở khu TĐC Bá Tùng mở rộng - giai đoạn 2B, riêng tại nút T35 và khu vực lân cận, nền đường có cao trình chênh lệch lớn nhất là 47,5cm, nền đất giao cho dân chênh lệch đến 1,127m.

Trước tình trạng sụt lún tại nhiều vị trí nói trên, người dân nhận đất cho biết, phải đắp thêm vài xe đất ở mỗi lô.

Trên cơ sở hiện trường và hồ sơ quản lý chất lượng do Công ty CP Phát triển hạ tầng Đà Nẵng bàn giao, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị (gọi tắt là Ban QLDA) nhận thấy cơ bản bảo đảm đúng thủ tục nghiệm thu theo quy định. Tuy nhiên, tại vị trí nút T35 (phần ranh giới giữa giai đoạn 2A và 2B) xuất hiện lún nền đường, lún hệ thống thoát nước và lún nền đất giao cho dân ở xung quanh. Hiện trạng vị trí lún cục bộ nền đường tại tim nút T35 có bán kính khoảng 50m. Trong quá trình nhận bàn giao công trình từ Công ty CP Phát triển hạ tầng Đà Nẵng, Ban QLDA cũng đã đề cập vấn đề này.

Để xử lý vấn đề trên, ngày 6-7-2016, UBND thành phố ban hành công văn giao Viện Quy hoạch xây dựng tiến hành khoan địa chất tại vị trí lún và đề xuất phương án xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình khoan địa chất tại vị trí lún cho thấy, nền đất yếu nên cần khoan sâu hơn để có kết quả chính xác. Vì vậy, ngày 11-2-2017, UBND thành phố có công văn cho phép điều chỉnh tăng thêm chiều sâu lỗ khoan (từ 15m lên 25m) để đánh giá địa chất khu vực lún.

Đến ngày 30-3, trên cơ sở báo cáo và đề xuất của Sở Xây dựng, UBND thành phố yêu cầu Ban QLDA phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát tổng thể tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng xây dựng các hạng mục công trình, chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương khắc phục các vị trí thi công chưa bảo đảm theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi và kiểm tra công tác quản lý chất lượng xây dựng các công trình nói trên theo các quy định hiện hành.

Vừa qua, Ban QLDA đã báo cáo Sở Xây dựng, đề xuất 2 phương án xử lý lún và khắc phục hư hỏng, lún ở khu vực này. Theo đó, phương án 1, xử lý bằng bấc thấm do Viện Quy hoạch xây dựng đề xuất. Phương án này có ưu điểm là xử lý lún triệt để trong thời gian tương đối ngắn (290 ngày). Tuy nhiên, kinh phí xử lý lớn, phải tiến hành di dời, lắp đặt lại các hạng mục thoát nước, cấp nước, cấp điện đã thi công; ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng như gây tâm lý lo ngại đối với người dân trong khu vực, nhất là đối với các hộ chuẩn bị nhận đất làm nhà (hiện nay đã có một số hộ đã và đang xây dựng nhà).

Phương án 2, tiến hành chỉnh sửa, bù phụ bảo đảm yêu cầu (không phải xử lý lún theo một trong các phương án trên) và thảm bê-tông nhựa mặt đường 1 lớp theo chủ trương chung của UBND thành phố. Đoạn đường này sẽ là đoạn đường chờ lún, sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, việc xử lý bù lún theo thời gian sẽ được đưa vào kinh phí duy tu, bảo dưỡng tại thời điểm mặt đường lún quá mức độ cho phép. Phương án này kinh phí thấp và được phân kỳ theo nhiều năm (hiện tại cơ bản không tốn kinh phí xử lý lún); không phải di dời các hạng mục thoát nước, cấp nước, cấp điện đã thi công; ít gây tâm lý lo ngại cho các hộ dân nhận đất xây dựng nhà; có thể thi công và đưa vào sử dụng ngay…

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.