Nghị quyết kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố khóa IX nêu rõ: Có phương án xử lý tình trạng thấp trũng và xem xét công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với đình làng Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), hoàn thành trong quý 2 của năm 2017. Nhưng đến ngày 4-7, đình làng Xuân Thiều vẫn chưa có phương án di dời hoặc xử lý ngập úng.
Vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành nối dài có cao trình cao hơn đình làng Xuân Thiều, làm đình ngập nước vào mùa mưa. |
Sau khi thi công đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đơn vị thi công phải làm kè chắn chống sạt lở vào đình làng Xuân Thiều do cao trình vỉa hè cao hơn nửa thân đình, sân đình thấp hơn vỉa hè hơn 1m. Vào mùa mưa, do thấp trũng nên đình bị ngập nước. Người dân đã nhiều lần kiến nghị xử lý ngập úng hoặc di dời đình làng đến nơi cao ráo.
Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, đình Xuân Thiều còn có giá trị lịch sử cách mạng rất lớn. Năm 1858, tàu chiến Pháp tấn công vào Đà Nẵng, đình Xuân Thiều là nơi dân làng tập trung lương thực, thực phẩm cho quân sĩ triều đình Huế chiến đấu. Trong tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8-1945, đình Xuân Thiều là nơi thành lập chính quyền cách mạng thôn Xuân Thiều và là điểm bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong kháng chiến chống Pháp, đình là nơi bộ đội, du kích ở để đánh Pháp trên quốc lộ 1 và cũng là nơi chi bộ Đảng địa phương hội họp, trao đổi nắm tình hình địa phương. Trong tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đình Xuân Thiều là nơi tập hợp các lực lượng đấu tranh chính trị ở các thôn Xuân Thiều, Trung Sơn, Quan Nam. Từ đây, hàng trăm người mang cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam biểu tình vây đồn bốt giặc ở Xuân Thiều, cản xe địch không cho đi càn quét bắn giết đồng bào. Quân Mỹ-ngụy đã xả súng bắn xối xả làm 4 người hy sinh. Năm 1973 trong cuộc giành dân, giữ đất, bộ đội ta cũng về đóng tại đây.
Hằng năm, cứ đến ngày 14-3 âm lịch, nhân dân làng Xuân Thiều tề tựu về dự lễ hội đình làng Xuân Thiều nhằm tôn vinh giá trị văn hóa-lịch sử, đồng thời nhắc nhở cháu con dù đi đâu cũng nhớ về nguồn cội.
Nghị quyết kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố khóa IX (tháng 12-2016) nêu rõ: Có phương án xử lý tình trạng thấp trũng và xem xét công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với đình làng Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), hoàn thành trong quý 2 của năm 2017. Tuy nhiên, vào ngày 4-7, ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu cho hay: “Vừa qua, lãnh đạo thành phố đã giao Sở Văn hóa-Thể thao chủ trì, phối hợp với quận báo cáo UBND thành phố trước khi quyết định việc di dời đình làng Xuân Thiều. Đến nay, đình làng vẫn chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, di tích thuộc danh mục kiểm kê của quận”. Còn bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết: “Các cụ trong ban đại diện đình làng Xuân Thiều vừa tiếp tục có kiến nghị di dời đình làng về xây dựng ở nơi cao ráo”.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP