Vấn đề bạn đọc quan tâm

Vì sao chấm dứt chuyển nhượng chung cư diện giải tỏa?

.

Từ cuối năm 2016 đến nay, nhiều hộ giải tỏa được bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư bức xúc vì không được chuyển nhượng căn hộ cho đối tượng khác như trước đây và cho rằng quy định này là không hợp lý.

Việc sang nhượng chung cư nhà ở xã hội là vi phạm Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
Việc sang nhượng chung cư nhà ở xã hội là vi phạm Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Theo Sở Xây dựng, thành phố chủ trương cho phép chuyển đổi tên hợp đồng thuê nhà chung cư đối với căn hộ thuộc diện bố trí tái định cư cho hộ giải tỏa từ tháng 1-2013. Theo đó, đối với các trường hợp nhận sang nhượng căn hộ chung cư của hộ giải tỏa thì có thể cho phép chuyển đổi tên hợp đồng thuê nhà chung cư nếu đối trượng đó thuộc diện bức xúc về chỗ ở. Người được chuyển đổi tên hợp đồng thuê nhà được ký hợp đồng thuê căn hộ với Nhà nước, phải chấp hành đúng các quy định về quản lý sử dụng căn hộ chung cư theo quy định hiện hành (không được mua bán, không cho thuê lại…). Công ty Quản lý nhà chung cư có trách nhiệm kiểm tra, lập thủ tục chuyển đổi, quản lý và thu tiền thuê nhà theo đúng chủ trương và quy định của thành phố.

Chủ trương này không những gây nhầm lẫn mà một số trường hợp được bố trí cho thuê cũng lợi dụng việc cho chuyển đổi tên đối với đối tượng giải tỏa để sang nhượng, cá biệt có trường hợp chuyển đổi tên lần 2 (đối với chung cư bố trí cho đối tượng giải tỏa), từ đó nảy sinh phức tạp trong quản lý sử dụng nhà chung cư. Trước tình hình này, trong 2 năm 2014 và 2015, Sở Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, thu hồi 51 trường hợp sang nhượng căn hộ chung cư trái phép, góp phần đưa công tác quản lý nhà chung cư đi vào nền nếp hơn. Tuy vậy, việc sang nhượng chung cư tiếp tục diễn ra phức tạp do chủ trương của UBND thành phố cho phép các trường hợp nhận sang nhượng căn hộ chung cư của hộ giải tỏa thì có thể cho phép chuyển đổi tên hợp đồng thuê nhà chung cư nếu đối tượng đó thuộc diện đặc biệt bức xúc về chỗ ở. Và dẫn đến phát sinh các trường hợp “cò” bán căn hộ chung cư không phải hộ giải tỏa gây khó khăn khi giải quyết thu hồi căn hộ hoặc cưỡng chế và công tác quản lý (trong năm 2016, đã thu hồi 48 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2017 thu hồi 20 trường hợp).

Cũng theo Sở Xây dựng, liên quan đến việc này, Kiểm toán Nhà nước đã có ý kiến đối với UBND thành phố là chấm dứt việc cho phép ký hợp đồng chuyển đổi quyền cho thuê căn hộ từ các hộ tái định cư cho các đối tượng không thuộc đối tượng thuê nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật Nhà ở năm 2014. Công ty Quản lý nhà chung cư cũng đã có báo cáo: “Căn cứ vào Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20-10-2015, công ty đã dừng thực hiện việc chuyển đổi tên quyền thuê nhà chung cư đối với các hộ thuộc diện giải tỏa.

Từ đề xuất của Sở Xây dựng, vào ngày 18-11-2016, UBND thành phố đã có văn bản quy định chấm dứt việc cho phép ký hợp đồng chuyển đổi quyền cho thuê căn hộ đối với các hộ diện giải tỏa theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp các hộ diện giải tỏa được bố trí cho thuê chung cư thì yêu cầu các hộ có cam kết khi nhận thuê nhà chung cư phải ở chính chủ (không được mua bán, không được cho thuê lại, cho ở nhờ, để trống…), nếu vi phạm sẽ bị thu hồi theo quy định.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.