Từ quốc lộ 1A đoạn gần đối diện chợ Mới Ba Xã ở xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) rẽ phải theo đường bê-tông khoảng 300m, đi qua cánh đồng làng thì đến cổng chào thôn Trà Kiểm. Dường như sự ồn ào, náo nhiệt của người và xe cộ dọc trục quốc lộ được bỏ lại khi đi qua cổng chào thôn này.
Đường vào thôn Trà Kiểm mang lại cảm giác bình yên. |
Toàn thôn Trà Kiểm có 178 hộ, với khoảng 700 nhân khẩu, ít so với các thôn khác của xã Hòa Phước. Tuy nhiên, con số 90% lao động địa phương làm nông nghiệp có mức thu nhập gần 50 triệu đồng/người/năm quá ấn tượng đối với bất kỳ ngành nghề nào ở nông thôn. Ông Nguyễn Thanh Quý, Trưởng thôn Trà Kiểm cho hay, 100% đường làng ngõ xóm được thảm bê-tông, điện chiếu sáng, bảo đảm các thiết chế văn hóa cơ sở từ nhà văn hóa đến các khu vui chơi trẻ em. Từ đầu năm 2016, sau khi đăng ký thực hiện mô hình thôn kiểu mẫu nông thôn mới, Trà Kiểm đã ra quân tổng lực, huy động mọi nguồn lực, vận động toàn dân tham gia thực hiện. “Việc đầu tiên muốn thực hiện mô hình là phải có kinh phí. Công tác vận động được thực hiện từ cán bộ quân - dân - chính đến từng hộ dân. Cán bộ làm trước, dân theo sau, từng bước tạo hiệu ứng tích cực để có gần 50 triệu đồng do nhân dân đóng góp, cùng số tiền hỗ trợ từ huyện, tạo đà cho thôn xây dựng các hạng mục từ đường giao thông, điện chiếu sáng, đến vệ sinh môi trường, nhà họp thôn… đạt quy chuẩn”, ông Quý nói.
Theo ông Quý, hầu hết người dân trong thôn là người có gốc gác từ nơi đây nên tính gắn kết làng xóm rất cao. Ở thôn, ai cũng biết mặt nhau. Hằng năm, thôn có 2 ngày lễ tắt bếp: ngày 12-2 âm lịch (ngày truyền thống của thôn) và ngày 18-11 (ngày hội đại đoàn kết toàn dân). “Qua những ngày lễ “tắt bếp” tạo tình đoàn kết sâu đậm giữa những người trong thôn với nhau; theo đó, mọi người có dịp gặp gỡ, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống và những người đi làm ăn xa cũng trở về sum họp. Tất cả các gia đình tập trung tại nhà văn hóa thôn để dự liên hoan, chia theo các tổ kết hợp để giao lưu. Nhờ sự gắn kết này nên các hoạt động trong thôn, quá trình vận động, tuyên truyền đến người dân thuận lợi hơn”, ông Quý chia sẻ.
Ông Quý cho biết, sau gần một năm đăng ký thực hiện thôn kiểu mẫu nông thôn mới, Trà Kiểm đã hoàn thành 9 tiêu chí để được công nhận vào cuối năm 2016. Tình hình an ninh trật tự trong thôn bảo đảm, tính kỷ cương, tình đoàn kết, gắn bó, biết kính trên nhường dưới, mọi người biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước. “Không phải hoàn thành thôn kiểu mẫu nông thôn mới xong thì để đó, mà phải duy trì và tiếp tục phấn đấu, phải năm sau cao hơn năm trước, hoàn thiện thêm nhiều tiêu chí mới để xứng đáng với những thành quả đạt được”, ông Quý khẳng định.
Tuy nhiên, một vài vấn đề khác được đặt ra. Trong số 90% số hộ làm nông nghiệp ở thôn Trà Kiểm, có đến 70% hộ chăn nuôi có quy mô (nuôi chim cút, nuôi bò và heo). Đây là nguồn thu nhập chính nhưng cũng là hạn chế trong vấn đề bảo đảm môi trường trong lành. Ông Quý thẳng thắn rằng, dù có giải pháp bảo đảm không xảy ra ô nhiễm môi trường, xử lý mùi hôi và mỹ quan đô thị, nhưng vẫn khó tránh khỏi những mùi đặc trưng trong chăn nuôi chim cút.
Tôi đi rảo vòng quanh thôn Trà Kiểm để cảm nhận sự bình yên đến dịu mát trên các con đường làng phủ bóng cây che. Dẫu vậy, có quá nhiều ngôi mộ rải rác dọc các con đường xen lẫn trong khu dân cư, ngay cả đầu cổng chào vào làng là khu nghĩa địa tồn tại bao đời nay, mang lại cảm giác chưa thật sự trọn vẹn về một thôn kiểu mẫu nông thôn mới. Song, để giải quyết “những hạn chế” này thật không dễ!
Bài và ảnh: TRỌNG HUY