Đường kiệt 249 Nguyễn Lương Bằng (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) dài hơn 100m, có 20 hộ dân sinh sống. Với bề rộng khoảng 3m, hai bên đường là tường nhà dân xây cao, tạo cảm giác đường sâu theo chiều uốn cong. Đường kiệt tối về đêm bởi chưa có điện chiếu sáng. “Có khách lạ đến các nhà trong kiệt 249 cứ phải mất ít nhất vài vòng đi vào và ra. 20 hộ dân sống trong kiệt rất bức xúc với tình cảnh “nhà không số” nên đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng cấp số nhà”, bà Nguyễn Thị Kim Loan, tổ trưởng tổ 22A phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) nói.
Kiệt 249 đã được cấp số nhà nhờ sự năng động của tổ trưởng tổ dân phố nhưng hiện còn thiếu điện chiếu sáng về đêm. |
Bà Loan cho biết, nhiều lần các hộ dân kiến nghị lên chính quyền đề nghị lắp biển số nhà nhưng vẫn được thông báo “chờ phê duyệt thủ tục, nguồn kinh phí để thực hiện”, nên cứ lần lữa mãi.
Rồi tổ dân phố (TDP) họp, đưa ra ý tưởng tự đi làm số nhà, hầu hết các hộ đều đồng ý. Bà Loan tự tìm hiểu, đến phường xin chủ trương, rồi đến Phòng Quản lý đô thị quận hỏi trình tự thủ tục làm số nhà. Được hướng dẫn cụ thể, nắm rõ quy trình và kinh phí thực hiện, bà về thông báo với TDP, mọi người thống nhất. Theo đó, chi phí là 70.000 đồng/biển số nhà, do dân tự bỏ tiền, tổ trưởng TDP có trách nhiệm đi làm thủ tục xin cấp biển số nhà. “Khi thông báo, ai cũng phấn khởi và nhanh chóng gửi bản sao giấy tờ nhà cho tổ trưởng. Chỉ sau 15 ngày, biển số được đóng lên trước cổng mỗi nhà, ai cũng vui mừng”, bà Loan kể.
Hơn một năm nay, những người chở gas đến kiệt 249 Nguyễn Lương Bằng không còn phải dò hỏi tìm nhà nữa. Nhưng con đường kiệt này vẫn còn một bất cập, đó là không có bóng điện chiếu sáng về đêm. Theo bà Loan, nếu chính quyền tiếp tục chậm vì chờ “quy trình thủ tục” người dân sẽ tự làm. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, UBND phường đã cử cán bộ đến khảo sát thực địa. Nhưng hỏi bao giờ mắc bóng điện (đã có trụ) thì được trả lời rằng “chờ kinh phí” (!?). Người dân trong kiệt và TDP đã thống nhất, nếu chính quyền còn bị vướng các thủ tục liên quan, TDP sẽ có văn bản kiến nghị, đề nghị chính quyền xác nhận. Sau đó, TDP sẽ tự đến Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng xin đấu nối hoặc tự bỏ tiền đóng tiền điện hằng tháng. Phần dây, bóng đèn do người dân trong tổ tự nguyện đóng góp”, bà Loan nói.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY