Kiểm soát chặt ô nhiễm nước

.

Thời gian qua, bằng nhiều nỗ lực và giải pháp của thành phố và các cơ quan chức năng, nhiều điểm “nóng” môi trường tại Đà Nẵng đã bớt “nóng”, chất lượng nguồn nước vì vậy được cải thiện đáng kể.

Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang thường xuyên sử dụng chế phẩm vệ sinh khu chợ cá để giảm mùi.
Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang thường xuyên sử dụng chế phẩm vệ sinh khu chợ cá để giảm mùi.

Mới đây, khi đến Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự cải thiện của môi trường nơi đây. Nếu như cách đây khoảng 2 năm, khi xuống âu thuyền, mặc dù chưa đến nơi nhưng mùi hôi thối nồng nặc, nhưng nay đã khác.

Ông Ngô Văn Cát, Phó trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (Ban quản lý) cho biết: “Trước đây, mọi người đến âu thuyền thường phải bịt kín mặt, bưng mũi vì mùi hôi, dưới âu thuyền rác thải tấp xuống nhiều nhưng nay đã chuyển biến hẳn, mùi hôi không còn, rác thải dưới âu thuyền cũng được dọn dẹp sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người buôn bán và ngư dân cũng tăng lên rõ rệt.

Có được thành quả đó là nhờ sự nỗ lực chung của chính quyền và nhân dân thành phố. Với đặc trưng là âu thuyền khép kín, tù đọng, lưu lượng nước ra, vào không nhiều nên bùn thải tích tụ lâu ngày dẫn đến mùi hôi là không thể tránh khỏi, nhất là khi thời tiết thay đổi.

Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường như đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp các trạm xử lý nước thải. Đồng thời, Ban quản lý nỗ lực tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân biết những quy định cấm trong khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cũng như các hình thức xử lý khi các tổ chức, cá nhân vi phạm”.

Để giải phóng nguồn nước bớt mùi hôi, hằng năm thành phố cho triển khai nhiều đợt nạo vét lòng âu, đầu tư hệ thống bơm đối lưu ra sông Hàn, lắp đặt hệ thống camera quan sát tại các khu vực để theo dõi, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Chi cục Bảo vệ môi trường cũng thường xuyên phối hợp với Ban quản lý sử dụng chế phẩm vệ sinh khu chợ cá và cầu cảng 2 lần/ngày để giảm mùi. Gần đây, Ban quản lý làm việc với đoàn khảo sát của Nhật và được Nhật tài trợ một hệ thống điện phân nước biển sát khuẩn. Khi đi vào hoạt động, hệ thống này sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng nguồn nước cho Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.

Ông Nghiêm Xuân Bạch, Cố vấn Liên minh nước sạch, nguyên Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội nhìn nhận: “So với các địa phương khác, Đà Nẵng làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Điển hình như trước đây, Âu thuyền Thọ Quang là điểm nóng ô nhiễm thì nay đã giảm hẳn.

Điều đó cho thấy thành phố và nhân dân Đà Nẵng đã rất nỗ lực, quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường, nhất là việc kiểm soát nguồn nước mà không phải địa phương nào cũng làm được. Tuy nhiên, vì Đà Nẵng đang hướng đến thành phố môi trường nên thời gian tới, công tác bảo vệ môi trường phải được làm tốt hơn nữa”.

Ông Bạch cũng chỉ ra, đối với ô nhiễm nguồn nước, do Đà Nẵng đang trên đà chỉnh trang đô thị nên vấn đề mấu chốt là phải xử lý được ô nhiễm nước thải sinh hoạt. Cụ thể, phải làm sao tách được hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải. Nếu để càng lâu, việc khắc phục và xử lý càng trở nên khó khăn, phức tạp.

Đà Nẵng cần xây dựng một hệ thống quy chuẩn về chất lượng nước dành riêng cho thành phố trên cơ sở hệ thống quy chuẩn chung của cả nước sao cho 15-20 năm sau, chất lượng nguồn nước không xấu hơn hiện tại. Mặt khác, công tác xử lý rác thải, nước thải cũng phải làm theo quy trình chặt chẽ, không để xảy ra điểm nóng môi trường. Ngoài giải pháp trên, thành phố cần có những giải pháp cụ thể để hạn chế người dân không sử dụng bao ni lông; khuyến khích người dân, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng các sản phẩm tái chế để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện thành công “Thành phố môi trường” cho Đà Nẵng.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.