Cây mai dương (hay còn gọi là cây mắt mèo, trinh nữ nâu...) đang mọc đầy tại bãi rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) do một số hộ lại bỏ đất hoang, khiến cây mai dương có điều kiện phát triển mạnh, xâm lấn các thửa rau bên cạnh.
Cây mai dương mọc rậm rạp, xâm lấn các thửa đất trồng rau ở bãi rau La Hường. |
Nhiều người trồng rau tại bãi rau La Hường cho biết, cứ sau một mùa lũ thì cây mai dương lại mọc um tùm hơn và làm thu hẹp dần diện tích trồng rau. Mặt khác, do bãi rau La Hường là vùng ngập lũ nên cứ sau một trận lũ lớn, hoa mai dương lại tấp vào những vị trí mới, gặp thời tiết mưa nhiều và ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi để nảy mầm, sinh trưởng mạnh. “Lâu nay, người dân ở đây diệt loại cây này bằng cách chặt thân và đào sâu khoảng 40cm để lôi rễ cây lên rồi phơi khô và đốt cháy. Cây mai dương có hoa và quả chứa nhiều hạt nên dễ bị phát tán xung quanh và mọc lên nhiều cây mới. Cứ sau một trận lũ nước ngập bãi rau La Hường là xuất hiện nhiều mầm cây mai dương. Vì thế, cây mai dương phát triển mạnh ở đây và choán chỗ trồng rau. Tuy nhiên, có một số hộ lại để đất hoang và cây mai dương mọc đầy, xâm lấn đất trồng rau. Người dân ở đây mong các cơ quan chức năng hướng dẫn biện pháp diệt hiệu quả loại cây có hại này”, một người trồng rau cho biết.
Theo phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ, đầu tháng 10-2017, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố) có văn bản cảnh báo cây mai dương xâm hại trên địa bàn. Theo đó, cây mai dương là một loài thực vật ngoại lai có tên khoa học Mimosa pigra thuộc họ Mimosacea, có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Cây mai dương có chứa hợp chất gây ngứa, đó là tinh dầu thực vật Urushiol. Loại dầu này rất độc, thường bay trong không khí và đọng lại trên cây cỏ. Chỉ cần một phần tỷ của một gam (nanogram) tinh dầu này đủ cho một người dị ứng ngứa. Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiện nay, cây mai dương là một trong những loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, đang phát triển và đã lây lan ở nhiều vùng sinh thái, hệ sinh thái trên phạm vi cả nước ta, chủ yếu ở các khu đất trống trong khu dân cư, đất ẩm ướt ven sông suối...
Cũng theo phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ, cây mai dương tập trung nhiều ở ven sông Cẩm Lệ, đoạn từ cầu Nguyễn Tri Phương đến cầu Đỏ với diện tích từ 5 - 6ha. Cây mai dương đang phát triển nhanh chóng với số lượng tăng gấp đôi sau một năm. Loài cây này có đặc tính xâm lấn thực vật bản địa, gây khó khăn cho việc đi lại để đánh bắt cá và gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực xung quanh. Từ cảnh báo và hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, phòng Kinh tế quận đã gửi công văn đề nghị UBND các phường có biện pháp xử lý kịp thời để giảm thiểu tác hại của cây mai dương tới đời sống và hệ sinh thái tại địa phương (theo khuyến cáo, tiêu diệt loài cây này trước khi lũ về để tránh mưa lũ làm phát tán hạt ra khu vực xung quanh)...
“Tiêu diệt cây mai dương có nhiều cách như: đốt, chặt, phun thuốc... Tuy nhiên, biện pháp tiêu diệt hiệu quả nhất hiện nay là phun dung dịch muối NaCl với nồng độ từ 10-60gam/lít lên cây trưởng thành để gây ra sự mất diệp lục tố và carotennoid, dẫn đến sự mất màu diệp lục và hóa nâu lục mô. Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, chỉ sau 2 giờ phun dung dịch muối ăn, cây mai dương bị tổn thương lá, cành và 2 tuần sau sẽ rụng hết lá, thuận lợi thực hiện biện pháp thủ công tiếp theo là chặt, đào bỏ rễ và đem đốt. Phương pháp này có chi phí rẻ, tính khả thi cao và đặc biệt là dễ áp dụng rộng rãi, đề nghị UBND các phường xử lý kịp thời”, ông Ngô Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ nói.
Bài và ảnh: NAM TRÂN