Bán đảo Sơn Trà không chỉ là khu vực rừng giàu tài nguyên, có hệ động thực vật đa dạng, phong phú, có loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm sinh sống, mà còn là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, quản lý ở bán đảo Sơn Trà hiện bị chồng chéo bởi có nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia.
Hằng ngày có hàng trăm lượt người đến bán đảo Sơn Trà tham quan, chụp ảnh. |
Khách ra vào tự do
Theo số liệu kiểm kê của cơ quan chức năng, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên bán đảo Sơn Trà là 3.778,2ha. Những năm qua, bán đảo Sơn Trà thu hút đông du khách bởi có loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm sinh sống; có các điểm du lịch hấp dẫn như: chùa Linh Ứng, Bãi cát vàng, đỉnh Bàn Cờ...
Một cán bộ Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết, đường lên bán đảo Sơn Trà chủ yếu có 2 đường chính, một hướng gần cảng Tiên Sa và một hướng chùa Linh Ứng.
Thời gian qua, khách du lịch trong và ngoài nước, giới chụp ảnh đến bán đảo Sơn Trà rất đông; trung bình mỗi ngày có đến vài trăm lượt người. Tuy nhiên, việc kiểm tra, quản lý người ra vào, ở lại đêm trên bán đảo Sơn Trà chưa chặt chẽ. Ai thích thì đến, thích thì đi, hoặc ở lại qua đêm, nên dễ có nguy cơ xảy ra cháy rừng cũng như tình trạng kẻ xấu mang theo bẫy bắt thú...
Theo ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), đến thời điểm hiện nay, chưa có quy định về thời gian cũng như địa điểm cụ thể được phép tham quan, dã ngoại ở bán đảo Sơn Trà. Vì thế, trong quá trình lực lượng chức năng của phường tuần tra, thấy người dân du khách ở lại khuya thì nhắc nhở, chứ không có quyền xử lý, đẩy đuổi họ.
Ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cũng cho biết, đơn vị này chỉ có chức năng quản lý chuyên ngành về rừng, có trách nhiệm tham mưu giúp UBND quận Sơn Trà và UBND quận Ngũ Hành Sơn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; bảo đảm chấp hành pháp luật và thực thi pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng trên địa bàn liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn.
Trong quá trình tuần tra, lực lượng kiểm lâm cũng nhắc nhở người dân, du khách không được ở lại qua đêm; không sử dụng lửa tại khu vực gần rừng, ven rừng; không xả rác bừa bãi.
Du khách nước ngoài tham quan bán đảo Sơn Trà. |
Công tác quản lý chồng chéo
Công tác quản lý bán đảo Sơn Trà được giao cho 3 cơ quan, đơn vị. Cụ thể, rừng và đất lâm nghiệp được giao cho Hạt Kiểm lâm; một phần giao cho UBND phường Thọ Quang quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các hoạt động tổ chức kinh doanh, dịch vụ du lịch thuộc về trách nhiệm của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng.
Theo ông Trần Thắng, việc người dân, khách du lịch lên xuống, ra vào bán đảo Sơn Trà tự do, lực lượng kiểm lâm không có quyền ngăn chặn hay kiểm tra nên rất dễ xảy ra tình trạng kẻ xấu có các hành vi tác động vào rừng.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho rằng, có đến 3 đơn vị cùng tham gia quản lý bán đảo Sơn Trà nhưng không đơn vị nào chịu trách nhiệm chính. Vì vậy, mỗi khi xảy ra sự vụ gì, các cơ quan, đơn vị dễ “đá” trách nhiệm cho nhau. Trước thực trạng bất cập này, UBND quận Sơn Trà đã nhiều lần kiến nghị UBND thành phố lập một đơn vị quản lý chịu trách nhiệm chung về bán đảo Sơn Trà.
Đồng quan điểm này, ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho rằng, để công tác quản lý bán đảo Sơn Trà đi vào nền nếp, kiểm soát chặt chẽ, thành phố cần sớm thành lập một đơn vị đứng ra tổ chức các điểm hướng dẫn, trông giữ phương tiện của khách du lịch khi đến tham quan bán đảo Sơn Trà.
Cũng theo ông Phương, ở góc độ quản lý ngành, để ngăn chặn tình trạng tác động vào rừng, lực lượng kiểm lâm phải kiểm tra, giám sát được lượng người vào rừng ở bán đảo Sơn Trà. Song, với chức năng, nhiệm vụ được giao như hiện nay, lực lượng kiểm lâm không thể thực hiện được điều này.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN