Alô, đường dây nóng xin nghe!

.

Là một trong những kênh tiếp nhận nhanh chóng thông tin từ bạn đọc phản ánh, “đường dây nóng” của Báo Đà Nẵng đã trở thành cầu nối hiệu quả trong việc chuyển tải các thông tin này đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, giải đáp. Người làm công tác bạn đọc cũng có những câu chuyện vui - buồn xung quanh “đường dây nóng”.

Những phản ánh của bạn đọc thông qua “đường dây nóng” được cơ quan chức năng quan tâm, xử lý hiệu quả.  Ảnh: ĐẮC MẠNH
Những phản ánh của bạn đọc thông qua “đường dây nóng” được cơ quan chức năng quan tâm, xử lý hiệu quả. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Hầu hết các vấn đề trong cuộc sống, từ chuyện “không vừa lòng”, bức xúc liên quan đến sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; tranh chấp đất ở, đất sản xuất; quy hoạch treo, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông; đường sá xuống cấp, lầy lội… đều được bạn đọc phản ánh đến Báo Đà Nẵng qua “đường dây nóng”.

Cứ mỗi lần có chuông reo, nhấc máy, chúng tôi thường nghe những câu nói quen thuộc ở đầu dây bên kia, đại ý rằng “nhà báo đến xem giúp tôi, hộ A. sản xuất gây ồn ào, ô nhiễm môi trường…”, “nhờ nhà báo phản ánh giúp chúng tôi, khu vực B. hình thành chợ tự phát, gây cản trở giao thông và ô nhiễm…”.

Có những quy định “bất thành văn” như: người trực “đường dây nóng” luôn phải nói năng nhẹ nhàng, dù nhận cuộc gọi vào ban ngày, hay giữa đêm, dù người phản ánh bày tỏ sự tức giận trước các vấn đề gây bức xúc, hay có khi đó chỉ là cuộc gọi… nhầm số; trực đường dây nóng phải mở máy 24/24 giờ…

Thực tế, nhiều thông tin do bạn đọc phản ánh rất có giá trị, giúp phóng viên có những bài viết hay, kịp thời, hoặc những bài viết nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, góp phần đưa Báo Đà Nẵng đến gần bạn đọc hơn, theo đúng tôn chỉ và mục đích của tờ báo: “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố”.   

Đơn cử như, trên cơ sở tiếp nhận thông tin qua “đường dây nóng”, phóng viên xác minh vụ việc, khi Báo Đà Nẵng đăng bài viết “Cống thoát nước gây ô nhiễm” phản ánh về đoạn cống hở thoát nước thải chảy qua khu vực tổ 33, 34 và 35 phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) gây ô nhiễm môi trường, lập tức Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 1383/STNMT-CCMT phản hồi và nêu rõ cả phương án trước mắt lẫn lâu dài cho việc xử lý tình trạng ngập úng khu vực nói trên.

Hoặc khi người dân bức xúc về việc cơ sở thu mua phế liệu ở số 46 Đào Trí (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) gây ô nhiễm môi trường, Báo Đà Nẵng xác minh và phản ánh thì lập tức các cấp chính quyền địa phương xử lý, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm môi trường cho khu vực này.

Có lúc “đường dây nóng” tiếp nhận thông tin một khu dân cư trên phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) bị sự cố điện khiến người dân hết sức lo lắng.

Phóng viên lập tức đến địa bàn phường Hòa Minh nhưng tìm mãi không thấy khu vực xảy ra sự cố, hỏi người dân xung quanh cũng không ai biết, gọi điện thoại lại số máy vừa phản ánh thì dở khóc dở cười vì chỉ nghe tiếng “tít, tít” kéo dài, gọi vài lần nữa thì nhận thông báo “số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”!

Rất nhiều lần “đường dây nóng” nhận cuộc gọi hỏi rằng, đến Đà Nẵng thì ăn ở quán nào để thưởng thức các đặc sản của thành phố; thăm danh thắng Ngũ Hành Sơn có mua vé không; muốn đăng ký cho con tham gia “Học kỳ quân đội” thì liên hệ với cơ quan nào; muốn đặt Báo Đà Nẵng dài hạn thì liên hệ nơi đâu… Thế là “đường dây nóng” trở thành kênh giải đáp thông tin.

Không chỉ phản ánh qua điện thoại “đường dây nóng”, nhiều thông tin của bạn đọc được chuyển tới Báo Đà Nẵng qua đơn thư, ý kiến phản ánh trực tiếp, nhưng không phải ý kiến nào cũng đúng. Do đó, sau khi tiếp nhận thông tin, phóng viên phải nghiên cứu, xác minh rất kỹ rồi mới viết.

Đối với đơn thư, càng cần nhiều thời gian nghiên cứu nội dung, tài liệu liên quan, sau đó mới tìm cách xử lý bằng cách làm việc với các cơ quan chức năng; hoặc đối với những vấn đề liên quan đến pháp luật thì hỏi ý kiến luật sư để trả lời bạn đọc…

Có lần Báo Đà Nẵng tiếp nhận phản ánh rằng, 5 đường ngang dân sinh không hợp pháp trên đường Trường Chinh (đoạn từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm, thuộc quận Cẩm Lệ) bị đóng lại, trong đó có việc rào lối đi qua đường sắt trước số nhà 304 Trường Chinh. Vì vậy, muốn băng qua đường, người dân phải đi đường vòng nên họ đề nghị mở lại lối đi qua đường sắt trước số nhà 304 Trường Chinh. Tuy nhiên, đề xuất này không hợp lý.

Bởi theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, đến năm 2025 sẽ đóng toàn bộ đường ngang dân sinh, lối đi tự mở qua đường sắt trên cả nước nhằm bảo đảm an toàn giao thông.

Nói về “đường dây nóng” thì có quá nhiều câu chuyện để kể, vui có, buồn có. Trong đó, điều làm chúng tôi cảm thấy vui nhất là sự tin tưởng của bạn đọc dành cho Báo Đà Nẵng. Bạn đọc gọi điện đến phản ánh vụ việc nghĩa là họ đặt niềm tin vào Báo Đà Nẵng. Vì vậy, những người làm công tác bạn đọc không cho phép có sự lơ là, phớt lờ thông tin, mà luôn xác định rằng khi “Alô, đường dây nóng xin nghe!” thì phóng viên ngay lập tức tiếp nhận và tìm cách xác minh thông tin kịp thời, chính xác.

ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.
.