Nhịp cầu nối những tấm lòng

.

Gần 13 năm công tác ở Báo Đà Nẵng, có lẽ năm 2017 mang lại cho tôi nhiều cảm xúc hạnh phúc nhất. Bởi lẽ, tôi cùng các đồng nghiệp đã có bài viết kêu gọi cộng đồng kịp thời giúp đỡ 2 trường hợp gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống và bài viết có sức lan tỏa mạnh mẽ đến bất ngờ.

Tác giả (bìa phải) và bạn đọc trao quà cho bố mẹ cháu Quốc Quân.
Tác giả (bìa phải) và bạn đọc trao quà cho bố mẹ cháu Quốc Quân.

Cháu bé bị hoại tử chân

Một buổi tối giữa tháng 5-2017, trong lúc trò chuyện trên Facebook, cô bạn là nữ bác sĩ công tác ở Bệnh viện C Đà Nẵng hỏi: “Anh quen tổ chức từ thiện nào không? Kêu gọi kinh phí giúp gia đình cháu bé này với. Hoàn cảnh cháu đáng thương lắm”. Cô bạn gửi ảnh cháu bé cho tôi xem. Cháu bé có vóc dáng nhỏ, đen nhẻm, đôi chân bị hoại tử đang trong giai đoạn thối rửa. Nhìn hình ảnh này, tôi thấy nhói lòng.

Hôm sau, tôi đề nghị phóng viên Trọng Huy thực hiện ngay bài viết về hoàn cảnh cháu Pơloong Quốc Quân (cháu bé trong ảnh, 16 tháng tuổi, người dân tộc Cơ tu, xã Ating, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Cháu Quốc Quân bị viêm não mô cầu, nhưng do gia cảnh quá nghèo, không có điều kiện chạy chữa, chủ yếu điều trị bằng thuốc nam ở quê.

Đến khi gia đình vay mượn được tiền đưa cháu xuống Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, thì tính mạng của cháu “nghìn cân treo sợi tóc”. Được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, cháu giữ được tính mạng nhưng buộc phải cưa đôi chân ngang đầu gối vì bị hoại tử nặng.  

Sau khi bài viết đăng trên Báo Đà Nẵng, những hình ảnh, thông tin về hoàn cảnh của cháu Quốc Quân được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Nhiều báo khác đóng trên địa bàn Đà Nẵng cùng vào cuộc nên sức lan tỏa càng mạnh mẽ.

Bạn đọc liên tục gọi điện thoại đường dây nóng Báo Đà Nẵng và điện thoại cá nhân của tôi để ủng hộ kinh phí giúp đỡ cháu Quốc Quân. Bên cạnh đó, các nhóm từ thiện, các tổ chức đoàn thể đến trực tiếp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ủng hộ, giúp đỡ cháu.

Người giúp 200.000 đồng, 500.000 đồng, 1 triệu đồng... Chỉ trong vòng 20 ngày, số tiền ủng hộ cháu Quốc Quân lên đến gần 1,5 tỷ đồng. Lần đầu tiên trong đời cầm số tiền quá lớn, anh Pơloong Thơi - bố cháu Quốc Quân - xúc động đến rơi nước mắt.

Điều cảm động hơn là anh Pơloong Thơi không giữ hết tiền cho gia đình mình mà trích 250 triệu đồng hỗ trợ những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cũng như giúp khoa mua thêm một số trang thiết bị để phục vụ việc điều trị.

Tương lai của cháu Quốc Quân còn dài. Nghĩ đến cảnh sau này về quê, cháu không còn đôi chân, chẳng biết đi học bằng cách nào, tôi muốn làm điều gì đó giúp cháu. Tôi gọi điện cho người bạn là Thiếu tá Trần Thùy Trang, cán bộ Công an thành phố Đà Nẵng, nhờ liên hệ các tổ chức từ thiện quốc tế để xin xe lăn cho cháu Quốc Quân. Chị Trang nhận lời, rồi chạy ngược chạy xuôi suốt mấy ngày tìm cho bằng được xe điện phù hợp với vóc dáng cháu Quốc Quân để trao cho cháu trong ngày ra viện. “Dù ngày về lại quê hương, đôi chân cháu Quốc Quân không còn lành lặn như trước nhưng những câu chuyện đẹp, đầy ắp tình người trong thời gian ở bệnh viện sẽ là hành trang, động lực giúp cháu vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc sống”, anh Pơloong Thơi xúc động nói.     

Con được đi học, mẹ khóc vì quá ngặt nghèo

Khoảng 2 tháng sau, sáng 20-7-2017, một người phụ nữ vẻ mặt khắc khổ, bước chân khập khiễng dẫn một cháu bé đến trụ sở Báo Đà Nẵng trình bày hoàn cảnh của mẹ con chị. Người phụ nữ đáng thương ấy là chị Trương Thị Loan (SN 1970, hộ khẩu thường trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê), cháu bé tên Trương Văn Hậu (SN 2010).

Chị Loan sụt sùi kể, chị là mẹ đơn thân có 3 người con. Cách đây mấy năm, cháu đầu bị bệnh mất; cháu kế tiếp 15 tuổi đã nghỉ học, đi bán vé số; cháu út Trương Văn Hậu sống với chị. Năm 2014, trong một lần đi lấy rau ở chợ đầu mối Hòa Cường về bán lúc rạng sáng, chị bị tai nạn giao thông, vỡ xương chậu. Ra viện, chị không còn khả năng lao động, hằng ngày đi bán tăm ở các chợ.

Năm 2015, trong lúc bán tăm ở chợ Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), chị bị tai nạn giao thông một lần nữa khiến đầu gối bị vỡ, đứt dây chằng. Sau lần tai nạn thứ hai này, mỗi lần bước đi, chị Loan phải kẹp nạng hoặc cháu Trương Văn Hậu dìu đỡ thì mới lê chân được.  

Chị Loan cho biết, trước đây nhà chị ở phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) nhưng bị giải tỏa, số tiền nhận đền bù đã trang trải chi phí cho những lần gặp tai nạn. Mấy năm qua, mẹ con chị thuê nhiều chỗ trọ sinh sống. Cũng vì không có chỗ ở ổn định nên 2 năm qua, cháu Hậu không xin được vào lớp 1.

Sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh của gia đình chị Loan, ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê đồng ý giải quyết cho cháu Hậu nhập học tại Trường tiểu học Lê Quang Sung năm học 2017-2018. Tiếp đó, thầy Nguyễn Đắc Nhơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quang Sung cam kết lo cho cháu Hậu ăn bán trú miễn phí cũng như hỗ trợ sách vở trong 5 năm học tại trường.

Tiếp đó, tôi thực hiện bài viết “Con được đi học, mẹ khóc vì quá ngặt nghèo” đăng trên số báo ra ngày 22-7-2017. Sau khi báo phát hành, bạn đọc đã chia sẻ, giúp đỡ gia đình chị Loan gần 100 triệu đồng. Đáng mừng hơn, qua thông tin bài báo cũng như sự vào cuộc xác minh của các cơ quan chức năng, lãnh đạo UBND thành phố đã quyết định xét đặc cách, bố trí căn hộ chung cư ở địa bàn quận Cẩm Lệ cho mẹ con chị Loan ở, ổn định cuộc sống.

Làm công tác Bạn đọc, tính chất công việc vất vả, áp lực, hằng ngày phải giải quyết đơn thư, khiếu nại, phải tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh éo le trong cuộc sống… Song, sau mỗi một bài báo ra đời, nhất là phản ánh về những trường hợp khốn khổ trong cuộc sống, được bạn đọc đồng hành, giang tay giúp đỡ các nhân vật trong bài viết, dù vất vả đến mấy, chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc.

NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.
.