Giám sát hoạt động rao bán động vật hoang dã

.

Thời gian gần đây, tình trạng săn bắt động vật hoang dã, chim tự nhiên lại xuất hiện ở một số phường, xã trên địa bàn thành phố. Chưa kể một số quán nhậu bình dân còn công khai giới thiệu thực đơn là những con kỳ nhông, gà so, chồn hương… vừa mới được bẫy bắt từ rừng.

Những con kỳ nhông núi được giới thiệu tại quán nhậu C.M ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Ảnh: H.LÊ
Những con kỳ nhông núi được giới thiệu tại quán nhậu C.M ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Ảnh: H.LÊ

Quán nhậu C.M (ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) thỉnh thoảng phục vụ những món nhậu làm từ chồn hương, gà so, chàng hiu và kỳ nhông được săn từ vùng rừng núi Hải Vân. Như lời anh T.T.V - chủ quán, những món này khá hiếm, không phải lúc nào cũng có. “Nhiều khách muốn ăn phải đặt trước vì đây là hàng bẫy bắt từ rừng, không phải nuôi nhốt nên rất ngon”, anh V. nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kỳ nhông sau khi chế biến có giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg, thịt gà so tùy trọng lượng có giá hơn 300.000 đồng/kg, cầy hương hơn 1 triệu đồng/kg, cầy vòi 450.000 đồng/kg. Giá cao lại được dân nhậu săn lùng nên không ít người bất chấp lệnh cấm lên núi bẫy bắt các loại động vật hoang dã này.

Ông Minh sinh sống tại xã Hòa Ninh cho biết, nhông là loài sinh sản ít, môi trường sống ngày càng thu hẹp nên người đi săn phải vào sâu trong núi Hải Vân mới bẫy bắt được. Ngoài việc đào, thợ săn nhông còn dùng ná cao su, bẫy tre để dẫn dụ con mồi. “Ở Hòa Ninh giờ có vài nhóm chuyên vào núi bẫy bắt các loại kỳ nhông, chồn hương, rùa núi, mỗi khi có hàng sẽ gọi “mối quen” đến lấy. Phần lớn người mua là dân nhậu, thấy hàng hiếm thì lấy, không quan trọng giá cả”, ông Minh cho biết thêm.

Hiện nay, công tác bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn Đà Nẵng được thành phố giao cho Chi cục Kiểm lâm thành phố, trong đó Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (CĐ&PCCCR). Đơn vị này thường xuyên lên kế hoạch tuần tra, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm. Đơn cử, năm 2020, qua công tác tuần tra, Đội CĐ&PCCCR đã xử phạt nhiều trường hợp quảng cáo mua bán động vật hoang dã. Trong đó, tiến hành xử phạt ông N.Đ.Tr (SN 1975, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) và ông T.D.L (SN 1966, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), mỗi trường hợp hơn 1,2 triệu đồng về hành vi quảng cáo mua bán động vật hoang dã, sử dụng công cụ bẫy bắt chim trái phép.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, từ đầu năm đến nay, trong quá trình tuần tra, kiểm tra, đơn vị đã phát hiện, tháo gỡ hơn 1.500 dây bẫy; hàng chục lồng sắt, chuồng bẫy, bẫy kẹp; một số vật dụng như kìm, võng, lưới tại khu vực bán đảo Sơn Trà và các tuyến đường ven chân núi.

Ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết, hiện nay tình trạng bẫy bắt động vật hoang dã tại bán đảo Sơn Trà có giảm nhưng chưa dứt hẳn. Do đó, việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát sẽ giúp cơ quan chức năng sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Theo ông Thắng, bất kỳ động vật hoang dã nào nếu không xác định được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đều bị xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, kinh doanh thịt thú rừng đang mang lại lợi nhuận cao nên không ít người dân bất chấp quy định, vào sâu trong núi săn lùng, bẫy bắt làm mất cân bằng hệ sinh thái.   

H. LÊ

Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ phạt tiền từ 360-400 triệu đồng đối với hành vi vi phạm có tang vật là động vật rừng thuộc Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng 2 cá thể lớp thú hoặc từ 5-6 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 6-9 cá thể động vật lớp khác; đối với hành vi vận chuyển động vật rừng trái phép thì mức phạt từ 5-360 triệu đồng. Nghị định này thay thế Nghị định số 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và Điều 3 Nghị định số 41/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ và quản lý rừng lâm sản.

 

;
;
.
.
.
.
.
Đồ ăn chó Đồ ăn khô cho chó