Trong bản đồ quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, khu vực trung tâm, chủ yếu là quận Hải Châu và một phần quận Thanh Khê những năm gần đây đã được Đảng bộ và chính quyền thành phố chú trọng đầu tư, xây dựng với nhiều dự án cả về tôn tạo, mở rộng các công trình có ý nghĩa lịch sử lẫn hình thành các điểm nhấn mới.
Công viên vườn tượng APEC mở rộng trở thành điểm nhấn kiến trúc độc đáo bên sông Hàn. Ảnh: LÊ HUY TUẤN |
Đầu năm 2022, thành phố khánh thành, đưa vào sử dụng Công viên vườn tượng APEC mở rộng và sắp tới đây đưa vào vận hành nút giao thông qua cầu Trần Thị Lý được dư luận đồng tình, hoan nghênh. Những công trình này không chỉ tạo sự liên kết các điểm đến hấp dẫn giữa cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý cùng với Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Công viên vườn tượng APEC… nằm bên dòng sông Hàn thơ mộng, mà còn mở ra một không gian sống vừa sôi động, vừa an lành, thoáng mát và đẹp. Những ngày Tết Nhâm Dần vừa qua, hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước đến khu vực này để tham quan, chụp ảnh và ngồi thư giãn tại các hàng quán dọc đường cho thấy sức hấp dẫn của các công trình.
Tới đây, khi Bảo tàng Đà Nẵng với quy mô tầm cỡ được xây dựng hoàn thiện trên toàn bộ tòa nhà UBND thành phố trước đây, hay sẽ sớm bắt đầu xây dựng Quảng trường thành phố dự kiến trước tòa nhà Trung tâm Hành chính… sẽ nhanh chóng biến tuyến đường Bạch Đằng thành nơi thưởng ngoạn các sản phẩm du lịch đa dạng, nhiều sắc màu, đan xen hình ảnh về một Đà Nẵng xưa và hiện đại.
Có thể nói, việc thành phố giao toàn bộ trụ sở với các công trình có tuổi đời cả trăm năm để xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng là quyết định mạnh mẽ, đúng đắn và hợp lòng dân. Bởi công trình đó không chỉ nằm trên khu vực đắc địa của thành phố mà chính các công trình đó tự thân mang tính biểu tượng rất Đà Nẵng.
Sự hình thành chuỗi các công trình du lịch ở khu vực trung tâm Đà Nẵng nhanh chóng tạo nên sự liên kết chặt chẽ với khu vực phía đông là vùng ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và khu vực phía tây là huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Từ đó, mở ra không gian rộng lớn cho du khách với ba sự lựa chọn khi đến Đà Nẵng: muốn thưởng thức cảnh núi non hùng vĩ thì lên khu du lịch Bà Nà, khu du lịch Núi Thần Tài…; muốn đến với biển thì ra bờ biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn; muốn chiêm nghiệm về một Đà Nẵng xưa và nay hay mua sắm thì đến bờ tây sông Hàn thơ mộng để thong dong trên các con phố, các khu chợ Hàn, chợ Cồn, các bảo tàng, các di tích lịch sử như Thành Điện Hải, Đình làng Hải Châu, Nghĩa trủng Phước Ninh…
Do vậy, khu vực trung tâm thành phố phải được quan tâm khôi phục và phát triển mang đậm nét của hai sắc thái cả nhộn nhịp, rộn ràng ở một số con đường, lẫn những không gian tĩnh lặng để du khách có thể thả hồn về một Đà Nẵng xưa và nay quyện lẫn.
Từ những cảm nhận đó, người viết thiển nghĩ vài ý kiến như sau: Một là, các tuyến đường ở khu vực trung tâm. Hiện nay đang có sự đầu tư phát triển chưa cân bằng đúng mức giữa khu vực trung tâm và vùng ven thành phố. Nhiều con đường ở ngoại ô được đầu tư xây mới rất hoành tráng. Trong khi đó, nhiều tuyến đường trung tâm thành phố vốn là nơi đi lại đông đúc, mua bán nhộn nhịp như: Ông Ích Khiêm, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Hùng Vương, Lý Thái Tổ… mặt đường xuống cấp, dây điện giăng chằng chịt.
Hai là, hệ thống cây xanh và hoa. Đây cũng là thế mạnh và yêu cầu không thể thiếu của một khu vực trung tâm thành phố để gây ấn tượng cho du khách. Thế nhưng, sự đầu tư để cải tạo, phát triển cây xanh và hoa chưa xứng tầm.
Hay như chủ trương thay thế loại cây tạp, thân mềm như cây si, cây bồ đề… trên các tuyến đường nội đô những năm qua là rất hiếm… Nhiều khu vực do chịu sức ép về mặt tiền của các công sở, doanh nghiệp hay khu vực buôn bán để thông thoáng mà quên đi sự cần thiết của cây xanh cho đường phố đẹp và đồng bộ.
Còn về đường hoa, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, đường hoa Bạch Đằng thật sự là món ăn tinh thần đầy thú vị cho mọi người. Về đường hoa cố định quanh năm, người dân thành phố cũng đôi lần nghe nói sẽ có dự án nhưng vẫn chưa thấy rõ. Trong khi chờ đợi có những đường hoa đồng bộ thì chúng ta cũng nên chọn những tuyến đường chính có nhiều du khách đi lại để bố trí các bồn hoa quanh năm chứ không chỉ làm theo mùa vụ. Hoặc ngay trên cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, nên chăng nghiên cứu để biến làn giữa của cây cầu thành những bồn hoa xinh đẹp? Vì theo quan sát, khoảng trống này rất lớn, có thể tận dụng hình thành các bồn hoa rất đẹp. Điều này không khó khi công nghệ và cách bảo quản, chăm sóc cây ngày càng được cải thiện đáng kể.
Ba là, đậu đỗ xe và trật tự vỉa hè. Đây được xem là điểm quan trọng cho khu vực trung tâm. Nên chăng tuyến đường Bạch Đằng không nên cho đậu xe, để dành cho người đi bộ và các phương tiện lưu thông. Vì hiện nay, đã có các bãi đổ xe được xây dựng trên tuyến đường Trần Phú, Phan Châu Trinh; việc không cho đậu xe ở tuyến Bạch Đằng sẽ tạo ra không gian đi bộ thông thoáng và từng bước hình thành thói quen cho mọi người khi muốn thưởng ngoạn dọc sông Hàn. Mặt khác, các tuyến đường trung tâm, nhất là các tuyến đường kết nối gần với đường Bạch Đằng như Nguyễn Văn Linh, Lê Hồng Phong, Thái Phiên, Trần Quốc Toản, Hùng Vương… phải được xây dựng trật tự, nền nếp.
Để một Đà Nẵng “xanh, sạch, đẹp” và luôn gây ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước, sẽ có rất nhiều việc để làm, để khai thác một cách hiệu quả nhất.
Trong khi chờ đợi nguồn lực phát triển nó trên diện rộng, cần quan tâm tạo dựng ở những khu vực trọng điểm một cách đồng bộ để tạo đà cho những bước tiếp theo.
TUYẾT MINH