Bạn đọc
Gia hạn giấy phép cho các tàu dầu: Xem xét lộ trình giảm số lượng tàu cho phù hợp
Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu (tàu dầu) tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) đang gặp khó khi phải tạm ngưng hoạt động vì giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là giấy chứng nhận) hết hiệu lực. Họ đã gửi đơn lên các cấp chính quyền thành phố mong sớm được gia hạn. Các cơ quan liên quan cũng đề xuất UBND thành phố xem xét để có lộ trình phù hợp nhất.
Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên bờ thuộc khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà). Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Doanh nghiệp than khó
Trong đơn gửi các cấp chính quyền, các DN cho biết, ngày 14-3-2022, các DN nhận được Công văn số 446/SCT-QLTM của Sở Công Thương nêu rõ: Về hoạt động kinh doanh xăng dầu của các tàu dầu, theo chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng tại Công văn số 2464/UBND-KT ngày 27-4-2021, việc cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận, thay thế tàu dầu cũ, đầu tư tàu dầu mới sẽ được xem xét sau khi UBND thành phố phê duyệt việc quản lý hoạt động cấp phép đối với tàu kinh doanh xăng dầu. Do đó, đề nghị các DN kinh doanh xăng dầu tạm ngưng hoạt động đối với các tàu kinh doanh xăng dầu có giấy chứng nhận nhưng hết hiệu lực. Đối với các tàu dầu có giấy chứng nhận còn hiệu lực, tiếp tục thực hiện đúng các quy định, bảo đảm các điều kiện về kinh doanh xăng dầu.
Theo đại diện các DN, việc ngưng hoạt động kinh doanh của nhiều tàu dầu sẽ ảnh hưởng cung ứng cho hoạt động đánh bắt của các tàu ngư dân; nhiều người lao động không có việc làm, tài sản không hoạt động sẽ dẫn đến hư hỏng...
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đầu năm 2021, sở tiếp nhận một số hồ sơ xin cấp lại (gia hạn) giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với các tàu kinh doanh dầu diesel, hoạt động trên sông, vịnh Đà Nẵng. Thực tế hiện nay, các phương tiện vận chuyển, kinh doanh xăng dầu thường neo đậu chung với các tàu đánh bắt thủy sản tại các phao neo, cầu cảng ở khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang và thường xuyên dự trữ khối lượng xăng dầu lớn. Theo ý kiến của các đơn vị chuyên môn, việc neo đậu của các tàu kinh doanh xăng dầu có nhiều rủi ro đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường. Vì vậy, sở đã báo cáo với UBND thành phố nội dung liên quan cùng phương án quản lý, cấp phép cho tàu dầu.
Tính toán lộ trình giảm từ 29 tàu xuống còn 10 tàu dầu
Số lượng tàu dầu đang hoạt động đã được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu trên mặt nước đang neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là 29 chiếc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cùng các sở, ban, ngành đã có nhiều cuộc họp và nhiều chuyến kiểm tra thực tế tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang về tình hình neo đậu, hoạt động của các tàu dầu. UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xác định lại nhu cầu, số lượng tàu dầu để tổng hợp và báo cáo UBND thành phố xem xét.
Ngày 31-12-2021, Sở NN&PTNT có Công văn số 5658/SNN-BQL gửi UBND thành phố cho biết, theo tính toán, khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang mỗi ngày tiếp nhận 40-50 lượt tàu cập cảng, bình quân mỗi tàu đi biển sử dụng 8m3 dầu, nhu cầu sử dụng dầu tối đa cho tàu đi biển trong 1 ngày tại khu vực khoảng 500m3/ngày đêm. Khu vực trên bờ âu thuyền hiện có 4 cửa hàng xăng dầu cung ứng thường xuyên và số lượng tàu dầu cần thiết trong khu vực là 10 chiếc.
Năm 2021, trong khu vực xảy ra 4 vụ chìm tàu, trong đó có 2 trường hợp phát sinh sự cố tràn dầu; ngoài ra còn xảy ra 2 vụ cháy tàu, đáng kể là vụ cháy 3 tàu cá ngày 14-2-2021. Trong điều kiện thời tiết bình thường, mỗi ngày tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang có 400-500 tàu neo đậu thường xuyên. Trong các đợt bão, lũ, áp thấp nhiệt đới, lượng tàu thuyền neo đậu trú tránh bão là 800 - 1.200 tàu. Số lượng tàu thuyền neo đậu luôn quá tải và cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với sức chứa theo công bố tại Quyết định số 1404/QĐ-BNN-TCTS ngày 02-4-2021 của Bộ NN&PTNT. Do đó, việc hạn chế số lượng tàu dầu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là rất cần thiết.
Từ cơ sở ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan và căn cứ nêu trên, Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Sở Công Thương không cấp mới giấy phép đối với các tàu có đăng ký hoạt động tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang; không cấp lại giấy phép hoạt động đối với các DN có tàu vi phạm nhằm hạn chế và có lộ trình giảm số lượng tàu dầu xuống chỉ còn 10 chiếc hoạt động tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.
Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Sở Công Thương thống nhất vị trí neo đậu tàu kinh doanh xăng dầu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang trong điều kiện thời tiết bình thường là phía bắc khu âu thuyền, đoạn tiếp giáp với chân cầu Mân Quang và trong mùa mưa bão thì do Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố hướng dẫn được quy định tại Quyết định số 136/QĐ-UBND ngày 14-1-2021 của UBND thành phố về việc phê duyệt phương án quản lý tàu kinh doanh xăng dầu tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Về việc đấu giá cung ứng dịch vụ mặt nước âu thuyền phục vụ hoạt động của tàu kinh doanh xăng dầu, Sở NN&PTNT đề xuất chưa thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các DN có tàu kinh doanh xăng dầu đang hoạt động tại âu thuyền vì nếu DN không trúng thầu sẽ không được hoạt động trong khi giấy phép vẫn còn thời hạn.
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, trong 29 tàu kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, có 23 tàu vỏ thép và 6 tàu vỏ gỗ. Hiện có 12 tàu có giấy chứng nhận hết hiệu lực tính đến tháng 6-2021; 7 tàu có giấy chứng nhận hết hiệu lực tính đến 31-12-2021 và 10 tàu có giấy chứng nhận hết hiệu lực tính đến ngày 8-12-2022. Về niên hạn sử dụng của tàu kinh doanh xăng dầu: Đến tháng 6-2021 có 15 tàu còn hạn sử dụng trên 20 năm, có 6 tàu còn hạn sử dụng từ 10-20 năm và 8 tàu còn thời hạn sử dụng dưới 10 năm. Sở Công Thương đề xuất: Đối với 2 tàu vỏ gỗ đã quá niên hạn sử dụng đề nghị không cấp lại giấy chứng nhận. Đối với 27 tàu còn niên hạn sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận, trong đó 19 tàu có giấy chứng nhận hết hiệu lực tính đến ngày 31-12-2021: Không cấp lại. Đối với 10 tàu có giấy chứng nhận hết hiệu lực tính đến ngày 8-12-2022: Tiếp tục kinh doanh theo thời hạn hiệu lực. Trong năm 2022, khi có tàu dầu có giấy chứng nhận hết hiệu lực và lúc đó số lượng tàu dầu còn dưới 10 tàu, Sở Công Thương sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận trên cơ sở đáp ứng các điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định hiện hành khác không quy định việc hạn chế số lượng tàu dầu. Do đó, việc hạn chế số lượng tàu kinh doanh xăng dầu tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang có thể sẽ xảy ra các trường hợp khiếu kiện đối với các tàu kinh doanh xăng dầu hiện đang hoạt động. Vì vậy, Sở Công Thương đề nghị UBND thành phố giao Sở Tư pháp rà soát, tham mưu tính phù hợp về đề xuất của Sở Công Thương nêu trên, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. |
ĐẮC MẠNH