Bạn đọc

Người lao động là F0 được nhận các khoản tiền nào?

09:00, 01/03/2022 (GMT+7)

Người lao động là F0 thì được nhận các khoản tiền nào, cần làm những thủ tục gì để nhận các khoản hỗ trợ đó? Trong trường hợp người lao động là F0 nếu không khai báo với y tế địa phương thì có nhận được tiền hỗ trợ không và có bị phạt không? Đó là vấn đề đang được bạn đọc quan tâm.

Người lao động cần khai báo với y tế địa phương nếu là F0 để được bảo đảm quyền lợi cho bản thân. Ảnh: THANH TÌNH
Người lao động cần khai báo với y tế địa phương nếu là F0 để được bảo đảm quyền lợi cho bản thân. Ảnh: THANH TÌNH

Hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng cho đoàn viên, người lao động

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, căn cứ Khoản 1, Khoản 2, Điều 1, Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ ngày 15-12-2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19: Đoàn viên, người lao động là ca bệnh F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ:

- Tối đa 3 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

- Tối đa 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 thì thân nhân của họ được hỗ trợ 5 triệu đồng/người.

Để nhận các khoản hỗ trợ này, người lao động cần cung cấp giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế cho công đoàn cơ sở nơi người lao động đang công tác. Công đoàn cơ sở có trách nhiệm trình hồ sơ cho công đoàn cấp trên để chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động theo quy định.

Tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau

Người lao động là F0, phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế còn được hưởng chế độ ốm đau theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014. Thời gian hưởng chế độ ốm đau trong năm của người lao động được quy định cụ thể như sau:

- Làm việc trong điều kiện bình thường: 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm.

- Làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 đến dưới 30 năm, 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Trong thời gian nghỉ, người lao động được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (khoản 1, Điều 28 Luật BHXH 2014).

Theo Công văn số 238/BYT-KCB, F0 cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (nếu điều trị ngoại trú), sau đó chuyển cho người sử dụng lao động để làm thủ tục hưởng chế độ.

Tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19

Sau khi điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc, sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày (theo Điều 29, Luật BHXH 2014). Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức 447.000 đồng/ngày, tổng là 2.235.000 đồng.

Tiền lương do người sử dụng lao động trả

Trong trường hợp người lao động vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị Covid-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, trong những ngày này, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.

Theo  khoản 1, Điều 113, Bộ luật lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Xử phạt F0 nếu không khai báo

Trong trường hợp người lao động là F0, nếu không khai báo với y tế địa phương thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể: Theo quy định tại Điều 47, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ kể từ khi phát hiện bệnh dịch. Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 3, Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, hành vi “Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật” thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Theo quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 7, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi “Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Như vậy, nếu người mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch không tuân thủ việc khai báo y tế theo các quy định trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi không khai báo y tế dẫn đến gây hậu quả làm lây lan dịch bệnh có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người (Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 - sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đồng thời, nếu không khai báo với y tế địa phương, người lao đông sẽ không nhận được tiền hỗ trợ vì không bảo đảm các thủ tục, hồ sơ theo quy định.

THANH TÌNH

.