Bạn đọc

Tự ý bít cửa thu nước: Vì sao khó xử lý?

08:59, 09/11/2022 (GMT+7)

Bên cạnh nguyên nhân do hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung, hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế, tình trạng người dân tự ý dùng vật dụng che chắn, thậm chí bít kín cửa thu nước khiến tình trạng “cứ mưa là ngập” tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.

Cửa thu nước trên đường Hòa Mỹ 7 (phường Hòa Minh) bị che kín. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Cửa thu nước trên đường Hòa Mỹ 7 (phường Hòa Minh) bị che kín. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Cửa thu nước bị che

Đi dọc các tuyến đường trên địa bàn thành phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng ở nhiều miệng cống thu và thoát nước mưa bị người dân dùng nhiều vật dụng khác nhau để che chắn, thu hẹp cửa thu, thậm chí bịt kín luôn các cửa thu nước này. Đơn cử, tại tuyến đường Hòa Mỹ 2, Hòa Mỹ 4 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), không khó để bắt gặp tình trạng nhiều cửa cống thu nước bị che chắn kín mít.

Cách đó không xa là các tuyến đường Tân Trào, Đồng Khởi (cùng thuộc phường Hòa Minh) có nhiều cửa thu nước nằm trước nhà dân, bị che chắn kín bởi rác và nhiều vật dụng khác. Các tuyến đường khác như: Hóa Sơn 2, Hóa Sơn 6, Trương Chí Cương (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu); Dũng Sĩ Thanh Khê (quận Thanh Khê); Trần Thủ Độ (quận Cẩm Lệ)... cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Nhiều miệng cửa thu nước bị người dân tự ý thu hẹp lại, thậm chí có nhiều cửa thu nước khác còn bị đổ bê-tông lấp kín mít. Tại địa bàn các quận, huyện còn lại, tình trạng này cũng diễn ra tương tự.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND một số phường cho rằng, mặc dù có quy định về việc xử phạt đối với hành vi tự ý thu hẹp, bít cửa thu nước nhưng việc xử phạt khó thực hiện. “Để xử phạt được thì phải có căn cứ, phải bắt quả tang hành vi của công dân đang thực hiện hành vi che chắn, làm ảnh hưởng việc thoát nước thì mới có cơ sở để xử lý.

Nhưng việc phát hiện, bắt quả tang rất khó. Biện pháp chính vẫn là tuyên truyền, vận động người dân không tự ý che chắn. Sắp tới chúng tôi sẽ khảo sát và cho tháo dỡ các vật cản tại các cửa thu nước trên địa bàn”, ông Phạm Ngọc Lãnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) nói.

Cùng quan điểm này, theo ông Võ Đức Lâm, Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) cho rằng, việc xử phạt hành vi này không dễ bởi khó phát hiện những cá nhân và thời điểm họ có hành vi che chắn cửa thu nước.

“Để hạn chế tình trạng này, thông qua các cuộc họp giao ban với khu dân cư, tổ dân phố, UBND phường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không tự ý dùng vật cản che miệng cống thoát nước. Cùng với đó, địa phương vẫn thường xuyên kiểm tra, khảo sát toàn bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn, nhất là thời điểm trước mùa mưa, để kịp thời tháo dỡ vật che chắn, hạn chế tình trạng ngập cục bộ ở các tuyến đường”, ông Lâm thông tin thêm.

Không tự ý để vật cản

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Đà Nẵng về vấn đề này, ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (TN&XLNT) Đà Nẵng cho biết, tình trạng người dân tự ý che chắn, thậm chí bít cửa thu nước xảy ra ở khắp các quận, huyện trên địa bàn toàn thành phố. Theo ông Thành, vì các cửa thu nước mưa ở phía trước nhà dân không có cấu trúc ngăn mùi hôi nên người dân phải bít lại để ngăn mùi. Tuy nhiên, việc làm này vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiêu thoát nước mưa, khiến tình trạng “cứ mưa là ngập” xảy ra ở nhiều tuyến đường.

“Trước mùa mưa, chúng tôi đều ra quân khơi thông các cửa thu nước để phòng, chống ngập úng cục bộ. Tuy nhiên, ở nhiều vị trí, nhất là khu vực trung tâm quận Hải Châu, Thanh Khê vẫn còn tình trạng ngập cục bộ xảy ra khi mưa lớn. Nguyên nhân gây ngập, ngoài việc do người dân tự ý bít cửa thu khiến nước thoát chậm, còn có nguyên nhân khách quan là do rác, lá cây chắn các cửa thu nước. Ngoài ra, do hệ thống thoát nước cũ ở địa bàn trung tâm đã bị xuống cấp, hư hỏng nhiều nhưng hiện chưa được sửa chữa, nâng cấp”, ông Thành giải thích thêm.

Về vấn đề “Nếu lắp đặt hệ thống van lật có chức năng ngăn mùi hôi sẽ giải được bài toán người dân tự ý bít cửa thu?”, ông Thành cho biết, trước đó Đà Nẵng cũng có thí điểm lắp đặt hệ thống này ở một số tuyến đường. “Việc ngăn mùi hôi thì hiệu quả rõ ràng, nhưng hiệu quả trong việc thoát nước thì chưa thể đánh giá cụ thể được. Nên nếu để đề xuất triển khai trên toàn thành phố thì cần có sự khảo sát cụ thể, kỹ lưỡng”, ông Thành nói.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Thành cho biết, biện pháp trước mắt, phía công ty sẽ kiến nghị chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân không tự ý để vật cản trước các miệng cửa thu nước và chủ động cùng với chính quyền trong việc khơi thông các miệng cửa thu khi trời mưa.

Công ty cũng sẽ thường xuyên rà soát, triển khai xử lý công tác thoát nước kịp thời. “Về lâu dài cần nghiên cứu, áp dụng các giải pháp thu nước vừa bảo đảm tiêu thoát nước vừa hạn chế được mùi hôi và thuận lợi trong công tác vận hành, khai thác”, ông Thành nêu kiến nghị.

ĐẮC MẠNH

.