Nâng cao thể lực từ học đường

.

Có câu chuyện vui nhưng rất đáng suy ngẫm là những năm qua, Việt Nam luôn đứng nhì, sau Thái Lan trong các cuộc tranh tài thể thao ở khu vực, sự “về nhì” này có một phần nguyên nhân không nhỏ là do vận động viên chúng ta thua họ về thể hình, thể lực. Rất coi trọng thể chất trong nhà trường nên nước bạn có nền giáo dục chú trọng rèn luyện sức khỏe, luyện tập thể dục-thể thao căn bản và chất lượng.

Hiện nay ở nước ta, mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ rèn luyện thể dục-thể thao vẫn chưa đồng bộ, có nơi còn thiếu, bên cạnh đó chiến lược dài hơi về giáo dục thể chất và chế độ dinh dưỡng, y tế cho đối tượng học sinh, sinh viên chưa đáp ứng xu thế phát triển chung. Trong khi đó, xã hội lại nở rộ các hoạt động phi thể thao như trò chơi trực tuyến, quán nhậu, cà phê…

Tại Điều 2, Nghị định số 11/2015/NĐ-CP của Chính phủ năm 2015 quy định về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường nêu rõ: “Giáo dục thể chất trong nhà trường là nội dung giáo dục, môn học bắt buộc, thuộc chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm trang bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục-thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng nhấn mạnh coi trọng phát triển thể chất để phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ cho học sinh. Những nghị định, nghị quyết của Đảng và Chính phủ khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục thể chất đối với sự hình thành và phát triển thể chất cũng như nhân cách của học sinh, sinh viên.

Chủ trương, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng, xuyên suốt. Tuy nhiên, những điều kiện cơ bản cho hoạt động và phát triển thể thao trường học lại chưa tương xứng và còn thiếu, yếu. Tại các cấp học phổ thông trên cả nước vẫn còn tình trạng có đến gần 80% số trường tiểu học, THCS và THPT thiếu nhà tập thể dục, thể thao; rất ít trường có bể bơi; nhiều trường đại học thiếu nhà tập luyện thể dục-thể thao và bể bơi...

Cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập ít được đầu tư, tình trạng “dạy chay, học chay” còn khá phổ biến. Ở nhiều trường đại học, chất lượng giờ học còn mang tính hình thức. Quỹ đất dành cho thể dục - thể thao ngày càng bị thu hẹp… Tất cả đã đặt chất lượng giáo dục thể chất trước thách thức to lớn.

Để mang lại những giá trị đích thực của giáo dục thể chất và thể dục-thể thao đến với thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần nâng cao thể trạng, thể lực của thế hệ trẻ nước nhà, cần có sự nhìn nhận đúng đắn và sớm có hành động của các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhất là các cấp ủy Đảng, ban giám hiệu các nhà trường về công tác giáo dục thể chất và đặc biệt cần lắm sự chung tay của toàn xã hội, với các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa giáo dục thể chất trong nhà trường, bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các trường đại học sư phạm thể dục - thể thao, khoa sư phạm giáo dục thể chất cần tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kỹ năng cho cả người dạy, người học, kỹ năng xử lý tình huống, tăng thực hành...

Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bám sát mục tiêu, nội dung chương trình, từ đó vận dụng các hoạt động giáo dục thể chất và thể thao một cách linh hoạt, phù hợp điều kiện của địa phương, thể trạng học sinh; tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học…

Thiết nghĩ, việc nâng cao thể trạng, vóc dáng của người Việt Nam phải bắt đầu từ môi trường học đường với các biện pháp mang tính căn cơ, bài bản, liên tục và đồng bộ, thể hiện qua công tác giáo dục thể chất được triển khai có chiều sâu, với sự vào cuộc đầy quyết tâm của các cấp từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là của cả hệ thống giáo dục nước nhà.

Hy vọng trong tương lai không xa, hình ảnh các em thanh-thiếu niên “thấp bé nhẹ cân” sẽ ngày càng trở thành thiểu số trên mảnh đất hình chữ S của chúng ta.

DÂN HÙNG

;
;
.
.
.
.
.