Hiện nay, thời tiết nắng nóng dễ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ tại các khu dân cư, chung cư, cơ sở sản xuất kinh doanh. Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy nhằm hạn chế thiệt hại.
UBND phường Hòa Khê phối hợp Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Thanh Khê diễn tập phương án chữa cháy và cứu hộ tại khu dân cư Thanh Khê 1 vào tháng 4-2023. Ảnh: N.Q |
Nguy cơ cháy nổ do chập điện
Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an thành phố, mùa hè nắng nóng là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, chủ yếu dễ xảy ra tại các khu dân cư, chung cư, các cơ sở sản xuất. Theo thống kê trong thời gian qua, nhiều vụ cháy, nổ xảy ra do người dân bất cẩn trong quá trình sử dụng điện hoặc dùng các thiết bị điện kém an toàn. Cụ thể, trưa 20-4, sau khi phát hiện kho hàng chứa đồ gia dụng tại số 56 đường Hoàng Thế Thiện (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) bốc cháy, người dân lập tức gọi báo cho lực lượng chức năng. Khu vực xảy ra vụ cháy nằm cạnh nơi có đông dân cư sinh sống. Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố phối hợp các đơn vị liên quan xuất 8 xe chữa cháy cùng 56 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng có mặt, sau đó phá dỡ tường nhà phía sau dập lửa, ngăn chặn cháy lan sang nhà dân xung quanh. Sau hơn 2 giờ nỗ lực chữa cháy, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy thiêu rụi nhiều hàng hóa là đồ gia dụng, thiệt hại gần 47 triệu đồng.
Trước đó, căn nhà tại kiệt 610 đường Tôn Đản (quận Cẩm Lệ) bốc cháy vào rạng sáng 15-4, nguyên nhân được xác định do chập điện. Trải qua gần 30 phút, 21 cán bộ chiến sĩ mới dập tắt hoàn toàn vụ cháy, không để cháy lan sang các nhà xung quanh. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, tuy nhiên hầu hết đồ gia dụng, thiết bị bên trong nhà đều bị thiêu rụi, thiệt hại khoảng 42 triệu đồng.
Theo Đại úy Nguyễn Văn Tân, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Thanh Khê, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xảy ra 17 vụ cháy, chủ yếu ở trong khu vực dân cư có nhà ở hộ gia đình kết hợp với sản xuất kinh doanh. Hầu hết các vụ cháy được xác định do sự cố chập điện. Vị trí cháy bên trong các khu nhà ống, trữ nhiều hàng hóa, không có lối thoát hiểm. Bên cạnh đó, nhà cháy nằm trong tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, mật độ dân cư đông khiến xe chữa cháy khó vào, ảnh hưởng đến công tác chữa cháy, cứu hộ. Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy do người dân chưa quan tâm đến công tác an toàn phòng, chống cháy nổ tại nơi sinh sống. Nhiều gia đình không trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nên khi xảy ra cháy không có thiết bị dập lửa, dẫn đến cháy lan, cháy lớn. Ngoài ra, đa phần loại nhà ống chỉ có 1 lối thoát hiểm duy nhất là cửa chính; lối thoát phụ phần lớn làm lồng sắt, lưới để chống trộm nên khi có cháy, nổ làm khói độc, lửa bịt kín lối đi nên người dân khó tự thoát ra ngoài.
Nâng cao ý thức cảnh giác
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố cho biết, năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 73 vụ cháy, thiệt hại về tài sản khoảng 2,5 tỷ đồng. Theo thống kê, đa số các vụ cháy do nguyên nhân chập điện. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, chủ hộ sản xuất, kinh doanh còn thiếu trách nhiệm, lơ là trong công tác PCCC dẫn đến nhiều vụ cháy đáng tiếc xảy ra, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Theo Thượng tá Trần Văn Hướng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố, thời tiết nắng nóng kéo dài trong thời gian tới dẫn đến nguy cơ cao về cháy, nổ trong khu dân cư, chung cư, các khu công nghiệp. Người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức cần cảnh giác, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng và chữa cháy, đặc biệt chú ý đến việc sử dụng điện an toàn. Rất nhiều vụ cháy trong thời gian qua do chập điện, dùng điện quá tải. Việc dùng điện quá tải thường diễn ra ở các khu công nghiệp, nhà máy, xưởng sản xuất khi quá nhiều máy móc hoạt động cùng lúc. Trong khi đó, nguồn điện cung cấp không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện của từng máy, lâu dần dẫn đến quá tải và phát nổ. Ở các khu dân cư, nhiều hộ gia đình còn sử dụng dây điện cũ, đến khi lắp đặt thêm các hệ thống như bếp điện, tủ lạnh, điều hòa, bình nấu nước siêu tốc... sẽ làm tăng nguy cơ chập điện, dẫn đến cháy, nổ.
“Nhằm bảo đảm công tác phòng và chữa cháy, cứu nạn trên địa bàn, thời gian đến, đơn vị chủ động bám sát chỉ đạo, kế hoạch của Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND, Công an thành phố. Trong đó, chú trọng thực hiện Kế hoạch 146/KH-CATP-PTM ngày 14-4-2023 của Giám đốc Công an thành phố trong việc mở đợt cao điểm xây dựng, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC, thực tập phương án chữa cháy tại các khu dân cư; vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, bố trí lối thoát nạn thứ hai. Bên cạnh đó, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ nâng cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, trực chiến 24/24 giờ, bảo đảm trang thiết bị, phương tiện nhằm thực hiện tốt công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chủ động nâng cao ý thức PCCC để hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra”, Thượng tá Trần Văn Hướng chia sẻ.
XUÂN ĐÔNG