Phụ trách mảng Bạn đọc của Báo Đà Nẵng, chúng tôi luôn cẩn trọng xác minh, giải quyết từng lá đơn, mỗi cuộc “điện thoại nóng” của công dân nhờ giải đáp, giúp đỡ, tư vấn. Công việc áp lực, khó khăn song khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi đều hạnh phúc vì đã giúp đỡ được người dân.
Phóng viên Phòng Bạn đọc (Báo Đà Nẵng, bên phải) tiếp bạn đọc tại cơ quan. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Khách quan, trung thực
Mỗi tháng, Báo Đà Nẵng tiếp nhận và xử lý hàng chục đơn, thư của bạn đọc khắp nơi gửi về, kể cả từ các tỉnh xa như: Đắk Lắk, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Điều này phần nào cho thấy, Báo Đà Nẵng là nơi công dân tin tưởng và tìm đến khi cần sự đồng hành từ báo chí. Đó có thể là những người dân bị thu hồi đất nhưng đền bù sai, chưa thỏa đáng, kéo dài; là câu chuyện những người rơi vào tình cảnh bị chây ì khi thi hành án; là những bệnh nhân mất tiền oan khi gặp các cơ sở thẩm mỹ “chui”; là chuyện về những người “làm ơn mắc oán” khi có lòng tốt giúp bạn nhưng bị lừa, rơi vào trắng tay… Mỗi người dân gửi đơn tới báo đều mang hoàn cảnh riêng nhưng điểm chung là đều mong muốn được báo chí đồng hành, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân.
Để làm tốt nhiệm vụ của phóng viên bạn đọc, khi tiếp nhận đơn, thư của công dân, chúng tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người dân và xác minh đa chiều để nắm sự việc một cách khách quan, toàn diện, từ đó đưa ra hướng giải quyết nhanh, chính xác và hiệu quả. Khi thực hiện bài viết từ những lá đơn của bạn đọc gửi tới, phóng viên chúng tôi phải “nằm lòng” khẩu hiệu: khách quan - trung thực, bởi chỉ một chút “nghiêng” theo cảm tính thì câu chuyện đôi khi sẽ đi rất xa. Đối với những trường hợp đơn thư phản ánh, kiến nghị của bạn đọc là những vụ việc đã kéo dài hàng chục năm, qua nhiều cấp, ngành nhưng chưa được giải quyết, khi đó, chúng tôi sẽ có công văn chuyển tới các cơ quan chức năng.
Tôi nhớ như in cảm xúc thương cảm khi bà Phan Thị Đệ (trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) lập cập ôm chồng hồ sơ kèm lá đơn tới Phòng Bạn đọc, Báo Đà Nẵng để kêu cứu trong nước mắt. Trước kia, vì hoàn cảnh gia đình nên vợ chồng bà nhờ người đứng ra kê khai đất đai theo Chỉ thị số 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, quá trình kê khai thiếu sót, việc đo đạc và xác định loại đất cũng nhầm lẫn khiến việc giải quyết các vấn đề liên quan toàn bộ diện tích đất hơn 1.500m2 của vợ chồng bà Đệ gặp nhiều rắc rối. “Tôi kêu cửa khắp các cơ quan chức năng, hàng chục lần rồi nhưng chẳng được ngó ngàng”, bà Đệ nói trong nước mắt. Chia sẻ với hoàn cảnh bà, chúng tôi vào cuộc xác minh và sau khi Báo Đà Nẵng đăng bài, bà Đệ nhờ người em trai gọi điện cho chúng tôi thông báo: “Trường hợp của gia đình tôi đã được giải quyết thỏa đáng, chúng tôi chân thành cảm ơn Báo Đà Nẵng...”.
Hay trường hợp đơn thư của bà Nguyễn Thị Hảo (trú phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ hành vi “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của một người ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Qua nhiều lần kêu cứu cùng sự vào cuộc của Báo Đà Nẵng, Công an thành phố Đà Nẵng đã có thông báo số 204/TB-VPCQCSĐT về việc thụ lý, giải quyết đơn của bà Nguyễn Thị Hảo.
Ngoài những đơn, thư kêu cứu, kiến nghị bảo vệ quyền lợi, không ít bạn đọc gửi tới tòa soạn thắc mắc với mong muốn được giải đáp về kiến thức pháp lý, quyền lợi... Những trường hợp này, chúng tôi sẽ làm “cầu nối” để kết nối các luật sư, chuyên gia pháp lý, các đơn vị chuyên môn... trao đổi, tư vấn nhằm góp phần sáng tỏ sự việc.
Nhiều công dân khác, vì thấy những chuyện bất bình về tình trạng xả thải, sản xuất… gây ô nhiễm môi trường, tiêu cực, tham nhũng… cũng phản ánh tới Phòng Bạn đọc. Tất cả những đơn thư, phản ánh khi được giải quyết đều đem lại cho những người làm công tác bạn đọc niềm vui và đó cũng là minh chứng cho sự thành công của tòa soạn bởi tiếng nói của tờ báo đã có tác động mạnh mẽ tới dư luận xã hội, được cơ quan chức năng phản hồi tích cực.
Tiếp sức cùng bạn đọc
Cùng với việc giải quyết các đơn thư, Phòng Bạn đọc còn là nơi tiếp nhận, xử lý những cuộc điện thoại từ đường dây nóng luôn mở 24/24 giờ của Báo Đà Nẵng để giải đáp các thắc mắc của người dân. Ngoài ra, người làm công tác bạn đọc cũng là “cầu nối” tích cực giữa các mạnh thường quân với những mảnh đời, những hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ của cả xã hội. Từ đó, hàng trăm trường hợp khó khăn đã được tiếp sức, vươn lên tốt hơn trong cuộc sống…
Dấu ấn nổi bật có thể kể tới là thông qua nhiệm vụ làm “sứ giả yêu thương” của mình, Báo Đà Nẵng tích cực đồng hành với chương trình phát gạo miễn phí qua ATM gạo tự động, diễn ra lúc Covid-19 bùng phát hồi tháng 4-2020. Với chủ đề “Hạt gạo tình thương” do Hội Doanh nhân trẻ thành phố phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố tổ chức, trong thời gian ngắn, báo đã đồng hành và huy động được hơn 5,3 tấn gạo đóng góp vào chương trình. Từ sức lan tỏa của Báo Đà Nẵng, “cây ATM gạo” cứ thế đầy lên, tất cả cùng góp sức để hoạt động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn được diễn ra thông suốt.
Hay mới đây, cũng là vai trò “sứ giả kết nối”, bằng uy tín của mình, báo cùng Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (96 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê) tổ chức trao tặng kinh phí, xây dựng căn nhà tình thương cho hộ bà Lê Thị Phận (92 tuổi, thường trú tại tổ 49 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Hộ bà Phận là gia đình thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong niềm vui mừng nhận nhà mới, bà Phận rưng rưng xúc động bởi “cả đời bà chưa bao giờ dám nghĩ tới việc có được ngôi nhà mới khang trang như vậy”...
Ngoài các giải thưởng báo chí, bằng khen, giấy khen, thì những lời cảm ơn đầy chân thành, ấm áp của bạn đọc gần xa, thì sự hồi âm, những chỉ đạo xử lý, khắc phục kịp thời của các cơ quan chức năng sau khi Báo Đà Nẵng lên tiếng về những bất cập chính là niềm động viên, giúp phóng viên làm công tác Bạn đọc chúng tôi ngày càng gắn bó hơn trên chặng đường đồng hành với bạn đọc.
ĐẮC MẠNH