Những quả đồi bị múc sâu nham nhở, nhiều diện tích đất trồng cây của người dân sau khai thác không thể sử dụng. Việc các doanh nghiệp cố tình chậm trễ hoặc né tránh cam kết hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khiến người dân bức xúc.
Chính quyền địa phương phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực các mỏ đá ngừng khai thác tại thôn Phước Thuận - Phước Hậu, xã Hòa Nhơn. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Hệ lụy từ mỏ đá
Tại các khu vực khai thác mỏ đá thuộc địa bàn quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, sau khi ồ ạt khai thác khoáng sản, nhiều chủ mỏ chậm hoàn thổ, phục hồi môi trường theo cam kết khiến núi đồi trơ trụi, nham nhở. Tại phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), dưới chân núi Phước Tường, cách đây hơn chục năm về trước có đến hàng chục doanh nghiệp khai thác đá. Sau khi thành phố ngừng cấp phép, các mỏ đã đóng cửa khai thác, nhưng hiện trường để lại quanh chân núi là hiện trường nham nhở do bị đào bới, nổ mìn phá đá trước đây. Đáng sợ nhất là một hồ nước rộng hàng nghìn mét vuông, sâu thẳm ngay dưới chân núi. Ông Lê Văn Bốn (phường Hòa Minh) cho cho biết, những hồ nước xuất hiện ở các mỏ đá là do quá trình khai thác đá tạo nên, trước đây rộng hơn nhiều, nhưng các doanh nghiệp đã cho san ủi, trồng cây, nhưng đến nay cũng còn đến chục nghìn mét vuông.
Thêm nữa, tại nhiều địa điểm mỏ đã ngừng khai thác đã biến thành nơi đổ rác, phế liệu, xà bần… Vào những ngày nắng, bụi bay mù mịt cuốn theo mùi hôi thối xuống các khu dân cư, mùa mưa nước bẩn từ các đống rác bẩn cũng cuốn theo chảy tứ tung, gây ô nhiễm môi trường khu vực… Tại thôn Phước Thuận - Phước Hậu, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), hiện nhiều mỏ tại đây đã hết hạn khai thác nhưng các đơn vị vẫn chưa phục hồi hoàn thổ theo quy định, nhiều mỏ được khai thác sâu xuống hàng chục mét, tạo thành những hố tử thần. Trên đỉnh mỏ, dù keo lá tràm đã đến kỳ khai thác nhưng người dân không thể thu hoạch vì xung quanh là vách đá dựng đứng, không có đường lên.
Anh Trần Phước Sơn (thôn Phước Thuận - Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa vang) cho biết, gia đình anh có tổng cộng hơn 20ha đất bị ảnh hưởng và dù đã trồng nhiều loại cây nhưng không phát triển được vì đất cằn cỗi, chỉ chủ yếu là đá. Khu vực này không còn cảnh khai thác đá rầm rộ như trước đây, bởi hiện khu vực này thành phố đã đóng cửa 4 mỏ, yêu cầu phục hồi môi trường. Nhưng điều đáng buồn là đến nay chưa thấy chủ mỏ phục hồi môi trường. Theo ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận - Phước Hậu, hiện những cánh đồng có diện tích hơn 130ha của người dân trong thôn phải bỏ hoang hàng chục năm nay vì ảnh hưởng từ việc khai thác mỏ, nguồn nước ngầm bị cắt đứt, đất trở nên hoang hóa. Khi mỏ còn hoạt động, các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ người dân khoảng 1,5 triệu đồng/ha/năm nhưng từ khi hết hạn, người dân không còn được hỗ trợ nữa. “Người dân mong thành phố xem xét có biện pháp như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tìm cách chuyển đổi ngành nghề, không để kéo dài tình trang này”, ông Tuân kiến nghị.
Cần giám sát việc hoàn thổ
Ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, qua khảo sát cho thấy, các mỏ đất, đá đã hết hoạt động trên địa bàn nhưng đến nay chưa khôi phục lại môi trường, hiện khi mưa, đất đá chảy xuống ảnh hưởng đến đất sản xuất. “Địa phương cũng chỉ biết kiến nghị các cấp, các ngành của thành phố để chủ mỏ sớm phục hồi môi trường, cải tổ lại diện tích sản xuất để người dân yên tâm canh tác”, ông Thu cho hay.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Đà Nẵng có 10 mỏ khoáng sản đang hoạt động (trong đó 9 mỏ đá), mỗi năm cung cấp 300.000m3 đất san lấp và hơn 870.000m3 đá xây dựng thông thường. So với nhu cầu thực tế hiện nay, mỗi năm thành phố thiếu hơn 1,4 triệu m3 đá và hơn 4,2 triệu m3 đất. Hiện hàng loạt mỏ đá khác đang chờ được gia hạn, chủ yếu tại huyện Hòa Vang nhưng chưa được cấp phép vì huyện chưa đồng ý vì theo quy hoạch Hòa Vang là đô thị sinh thái thì không được lấy đất san lấp.
Ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, để buộc các doanh nghiệp khai thác đá ở mỏ đá sau khi hết phép thực hiện phương án hoàn thổ, phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt là rất khó, bởi các chủ mỏ cho rằng không biết lấy đất, đá ở đâu để lấp đầy khu vực đã khai thác.
Nhằm tạo điều kiện cho các mỏ đá hoàn thổ, phục hồi môi trường, ngày 29-5-2024, UBND thành phố có văn bản thống nhất cho phép Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và Liên doanh nhà thầu thi công dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông thành phố Đà Nẵng được thỏa thuận bãi đổ thải vật liệu dư thừa không thể tận dụng làm vật liệu san lắp mặt bằng khi thực hiện dự án này được đổ vào 4 mỏ đá xây dựng trên địa bàn huyện Hòa Vang để hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường với khối lượng 350.000m3. Công văn cũng nêu rõ, các chủ mỏ đá cần tiếp nhận đúng khối lượng vật liệu dư thừa đã thỏa thuận đối với các nhà thầu thi công dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan.
Đối với khối lượng đã tiếp nhận chỉ được sử dụng để hoàn thổ trồng cây phục hồi môi trường tại khu vực mỏ, khu vực sân công nghiệp, khu phụ trợ,... phù hợp với phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Và sau khi hoàn thành việc tiếp nhận thì báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp cùng chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan để kiểm tra. Trường hợp phát hiện các đơn vị thực hiện không đúng hoặc không bảo đảm cần sớm báo cáo, đề xuất thành phố xem xét, xử lý theo quy định.
TRỌNG HÙNG