Quy định trừ và phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ 1-1-2025

.

Theo Thông tư số 65/2024/TT-BCA của Bộ Công an quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm giấy phép lái xe, từ ngày 1-1-2025, người dân có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm phải trải qua các bài thi lý thuyết để được phục hồi. Liên quan đến vấn đề này, Báo Đà Nẵng thông tin đến bạn đọc một số nội dung liên quan.

Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Ảnh: VĂN HOÀNG
Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Ảnh: VĂN HOÀNG

Đợi ít nhất 6 tháng để thi phục hồi điểm

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (Luật số 36/2024/QH15, ban hành ngày 27-6-2024) có hiệu lực từ 1-1-2025 quy định rõ, giấy phép lái xe của người dân sẽ có 12 điểm, được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trong quá trình tham gia giao thông, người vi phạm các quy định sẽ bị trừ điểm tùy vào tính chất, mức độ vi phạm. Dữ liệu về điểm trừ sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm biết. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người dân không được lái xe theo giấy phép đó trong thời gian ít nhất 6 tháng. Sau đó, người dân phải tham gia kiểm tra các nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định để được phục hồi đủ 12 điểm khi kết quả đạt yêu cầu.

Theo hướng dẫn của Thông tư số 65/2024/TT-BCA, Cục Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nội dung kiểm tra gồm 2 phần được thực hiện trên máy tính, gồm: trắc nghiệm lý thuyết kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện theo câu hỏi sát hạch lý thuyết để cấp giấy phép lái xe theo quy định; kiểm tra kiến thức pháp luật theo các tình huống giao thông mô phỏng.

Theo đó, phần kiểm tra lý thuyết gồm 25-45 câu hỏi trắc nghiệm (tùy hạng bằng), yêu cầu người tham gia trả lời đúng ít nhất 21-41 câu và vượt qua câu hỏi điểm liệt. Phần kiểm tra mô phỏng bao gồm 10 tình huống giao thông nguy hiểm được thiết kế dưới dạng câu hỏi mô phỏng, mỗi câu hỏi được tính 0-5 điểm, người tham gia cần đạt tối thiểu 35/50 điểm để vượt qua.

Người dự thi có kết quả kiểm tra lý thuyết không đạt yêu cầu sẽ không được kiểm tra mô phỏng. Trường hợp kiểm tra mô phỏng không đạt yêu cầu thì được bảo lưu kết quả kiểm tra lý thuyết trong 1 năm. Người dự kiểm tra có kết quả không đạt yêu cầu được phép đăng ký kiểm tra lại sau 7 ngày làm việc.

Người dân nói gì?

Chia sẻ ý kiến với Báo Đà Nẵng, bạn đọc Nguyễn Trần Quang Khánh (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) cho rằng, quy định trừ điểm giấy phép lái xe và phục hồi điểm có hiệu lực từ 1-1-2025 không chỉ quản lý người điều khiển phương tiện giao thông, giám sát tái phạm lỗi mà còn thể hiện sự răn đe, giáo dục, nêu cao ý thức, trách nhiệm về việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông.

Quy định mới này vẫn có nhiều điểm nhân văn của pháp luật. Chẳng hạn, hiện nay một số hành vi vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ bị tước giấy phép lái xe 1-2 năm. Nhưng từ năm sau, hành vi đó chỉ bị trừ điểm và đợi 6 tháng để tham gia thi phục hồi điểm. Hay trường hợp người tham gia giao thông chưa bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm sau 12 tháng kể từ lần trừ điểm gần nhất.

Theo anh Khánh, các cơ quan quản lý Nhà nước cần kịp thời ban hành quy định về mức trừ điểm cụ thể của các lỗi vi phạm trước khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và Thông tư số 65/2024/TT-BCA có hiệu lực để người dân nắm rõ, tránh việc cãi cọ khi phát sinh vi phạm.

Bạn đọc Đỗ Văn Phú (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) chia sẻ, thông tư hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng. Các thủ tục, hồ sợ đăng ký kiểm tra được quy định đơn giản, có thể nộp qua nhiều hình thức như trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia, dịch vụ bưu chính hay nộp trực tiếp tại cơ quan tổ chức kiểm tra; tổ chức kiểm tra ít nhất 2 lần/tuần; tài liệu ôn luyện được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tổ chức kiểm tra; người dân không cần đóng kinh phí tham gia kiểm tra… là một số điểm cần lưu ý trong thông tư. Dù vậy, với hình thức kiểm tra trên máy tính, những người lớn tuổi, người ít có điều kiện tiếp xúc với các thiết bị, máy móc sẽ gặp nhiều hạn chế khi tham gia.

Theo bạn đọc Trương Lê Văn Thuận (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), việc kiểm tra phục hồi điểm cho giấy phép lái xe tương tự như thi sát hạch, quy định rõ các mức điểm đạt yêu cầu và trường hợp sai câu điểm liệt. Khác với việc sát hạch giấy phép lái xe, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan tổ chức kiểm tra phục hồi điểm. Song các nội dung kiểm tra dựa theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết và tình huống mô phỏng để cấp giấy phép lái xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

“Hiện nay, bộ câu hỏi lý thuyết ôn tập cho sát hạch giấy phép lái xe hạng B1, B2 là 600 câu. Cơ quan chức năng cần có thông báo cụ thể về việc đăng ký tổ chức ôn tập cho người dân có nhu cầu, nhất là những người đã từng tham gia sát hạch với bộ câu hỏi 450 câu trước đó”, anh Thuận đề xuất.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.