Phòng ngừa đột quỵ vào mùa lạnh

.

Nguy cơ đột quỵ gia tăng khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt vào mùa lạnh. Việc nhận biết sớm những dấu hiệu của đột quỵ và phòng ngừa đột quỵ từ sớm sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Nguy cơ đột quỵ gia tăng khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt vào mùa lạnh.   TRONG ẢNH: Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tại  Bệnh viện Đà Nẵng.Ảnh: THU DUYÊN
Nguy cơ đột quỵ gia tăng khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt vào mùa lạnh. TRONG ẢNH: Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: THU DUYÊN

Tăng tỷ lệ ca đột quỵ nặng vào mùa lạnh

Tháng 11-2024 đến nay, thời tiết chuyển mùa, tần suất bệnh nhân đột quỵ tăng, mỗi ngày trung bình Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng ghi nhận 15-20 ca nhập viện, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Đa số bệnh nhân đột quỵ lớn tuổi, tuy nhiên cũng có những trường hợp 20-30 tuổi. Bệnh nhân đột quỵ trẻ thường có biểu hiện bất thường, dị dạng mạch máu não hoặc có những túi phình mạch máu não bẩm sinh, khi có những đợt kích hoạt hoặc những cơn tăng huyết áp sẽ gây vỡ các túi phình, vỡ các dị dạng mạch máu não gây ra biến chứng đột quỵ. Đơn cử, ngày 12-12, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân T.Đ.H (SN 1991) nhập viện với tình trạng chảy máu não, huyết áp rất cao (250mmHg). Sau khi được cấp cứu, bệnh nhân phải thở máy, tỷ lệ sống sót 50%, khả năng di chứng bị liệt vận động kéo dài.

Theo Bác sĩ CKII. Dương Quang Hải, Phó trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng, đột quỵ có hai dạng: nhồi máu não (mạch máu não bị tắc) và xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ ra). Trong mùa lạnh, tỷ lệ bệnh nhân xuất huyết não nhập viện chiếm tỷ lệ cao hơn, đây là dạng đột quỵ nặng, có tỷ lệ tử vong cao (40-50%). Lý giải số ca đột quỵ vào mùa lạnh tăng nhiều hơn so với các mùa khác trong năm, bác sĩ Hải cho biết, việc thay đổi nhiệt độ từ nóng chuyển qua lạnh sẽ làm thay đổi huyết áp, đặc biệt người có bệnh nền nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến huyết áp tăng cao đột ngột, gây biến chứng đột quỵ. Áp lực huyết áp quá cao làm vỡ mạch máu, gây xuất huyết não.

Người có nguy cơ đột quỵ cao là các bệnh nhân có bệnh nền và thường xuất hiện tình trạng tăng huyết áp. Bác sĩ Hải thông tin, thống kê năm 2021, tại Việt Nam, tỷ lệ người bị tăng huyết áp khá cao, chiếm khoảng 1/3 dân số người trưởng thành. Tuy nhiên, một nửa trong số đó không biết bản thân có bệnh và một nửa trong số những người biết bệnh lại bỏ qua việc điều trị hoặc điều trị không đủ. Ngoài ra những người có bệnh lý nền như đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, tim mạch hay bệnh lý bẩm sinh, bất thường về mạch máu não như dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não cũng là một trong những đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao.

Làm gì khi phát hiện người bị đột quỵ?

Dấu hiệu đột quỵ thường rất đột ngột và dễ nhận biết thông qua quy tắc FAST. Cụ thể, “F” là Face (méo miệng), “A” là Arm (yếu liệt tay chân), “S” là Speech (ngôn ngữ bất thường) và “T” là Time (thời gian xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột). Khi gặp một trong những triệu chứng này, nguy cơ mắc đột quỵ có thể lên đến 70%. Ngoài các dấu hiệu cơ bản kể trên, đột quỵ còn có thể biểu hiện qua việc mất thăng bằng, mờ mắt, rối loạn thị giác hoặc trong các trường hợp nghiêm trọng hơn là hôn mê, co giật và mất ý thức. Các triệu chứng này có thể xuất hiện rất nhanh và diễn tiến khó lường.

Theo bác sĩ Hải, khi phát hiện một người có dấu hiệu đột quỵ, điều đầu tiên là cần hỗ trợ để bệnh nhân không bị té ngã, điều này giúp tránh thêm những tổn thương. Đặt bệnh nhân nằm xuống, nghiêng người sang một bên để tránh trường hợp nôn mửa, hạn chế nguy cơ hít sặc ảnh hưởng đường thở. Và điều quan trọng không kém là nhanh chóng gọi cấp cứu 115 đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt trong “thời gian vàng”. Ông cũng cảnh báo về các phương pháp dân gian như bắt gió, cạo gió, uống nước đường hoặc xoa bóp, vì những biện pháp này không chỉ không hiệu quả mà còn làm chậm trễ quy trình cấp cứu, khiến diễn tiến bệnh nặng thêm.

Để phòng ngừa đột quỵ, người dân cần hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích, vì chúng là nguyên nhân gây tổn hại đến phổi, mạch máu và tim mạch. Đồng thời, cần kiểm soát lượng muối, đường, tinh bột và dầu mỡ trong khẩu phần ăn, đặc biệt ở người có nguy cơ cao như bệnh nhân đái tháo đường hay xơ vữa mạch máu. Ngoài ra, vận động thường xuyên là yếu tố không thể thiếu. “Hãy dành 30-40 phút mỗi ngày để tập thể dục, ít nhất 3-4 lần mỗi tuần. Đi bộ, chơi thể thao, hoặc vận động nhẹ nhàng tùy theo sức khỏe sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm nguy cơ đột quỵ. Trong thời tiết lạnh, có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian tập luyện và ưu tiên các hoạt động trong nhà để bảo đảm an toàn. Việc thay đổi không khí đột ngột từ trong nhà ra ngoài đường có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ”, bác sĩ Hải khuyến cáo.

Hiện nay, Bệnh viện Đà Nẵng đang áp dụng nhiều phương pháp kỹ thuật trong điều trị đột quỵ để tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các nguy cơ đột quỵ từ sớm, dù ở bất kỳ độ tuổi nào.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ và chỉ 5% trong số đó khỏi bệnh; 45% sống sót với những di chứng liệt vận động, rối loạn nhận thức, ngôn ngữ, thị giác; 50% ca tử vong. Vì vậy, để tránh trường hợp đáng tiếc, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe bằng các biện pháp phòng ngừa đột quỵ, như khám sức khỏe định kỳ và giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh.

THU DUYÊN - QUỐC VƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.