Thời điểm cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu mua sắm, giao dịch trực tuyến của người dân tăng cao, kéo theo sự gia tăng các hình thức lừa đảo qua mạng. Đối tượng xấu lợi dụng tâm lý cả tin, vội vàng của người tiêu dùng để thực hiện hành vi lừa đảo, từ việc mạo danh các sàn thương mại điện tử đến các chiêu trò giả mạo cơ quan chức năng, ngân hàng. Để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân, người dân cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ lưỡng giao dịch và không vội tin vào những lời mời chào hấp dẫn.
Các đối tượng lừa đảo trong “Băng mũ rơm” bị tạm giữ tại cơ quan chức năng. Ảnh: C.A |
Thủ đoạn gian xảo
Mới đây, qua công tác trinh sát, nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Đà Nẵng) phối hợp Công an quận Thanh Khê kiểm tra hành chính hai căn hộ trên địa bàn quận Thanh Khê. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hai nhóm người đang sử dụng nhiều thiết bị máy tính để thực hiện các hành vi xâm nhập và chiếm đoạt tài khoản facebook của người khác.
Bước đầu xác định, khoảng tháng 12-2022, P.B.L. (23 tuổi, quận Thanh Khê) tìm hiểu cách xâm nhập vào tài khoản facebook thông qua các diễn đàn và mạng xã hội. Từ đó L. nắm được cách thức thu thập và khai thác tài khoản facebook. L. bắt đầu hành vi của mình bằng cách sử dụng các tài khoản facebook và trang facebook thường được gọi là “Via” và “Page”. Đây chủ yếu là tài khoản của người dùng quốc tế. Tiếp đó, L. thuê một nhóm gồm 11 người và phân công nhiệm vụ cụ thể thông qua nhóm Telegram mang tên “Băng mũ rơm”, do L. quản lý và cài đặt.
Nhóm này được giao nhiệm vụ sử dụng phần mềm chuyên biệt phát tán hàng loạt đường link có khả năng đánh cắp thông tin người khác. L. mua đường link này từ một tài khoản Telegram với giá 92 triệu đồng. Liên kết này được thiết kế dạng mô phỏng trang web công ty mẹ của facebook, nhằm làm tăng độ tin cậy, thu hút người dùng. Khi người dùng nhấp vào liên kết, họ sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo và sẽ bị thu thập tự động các thông tin facebook và gửi về một bot Telegram mà L. đã lập trình sẵn.
Sau khi thu thập thông tin từ tài khoản facebook, L. tiến hành kiểm tra bằng cách sử dụng thông tin này để đăng nhập trái phép vào tài khoản và phân loại tài khoản dựa trên hạn mức quảng cáo. Đối với tài khoản có hạn mức quảng cáo cao sẽ được L. bán trên các nhóm Telegram, facebook để thu lợi bất chính. Tiếp đó, L. sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ việc bán tài khoản, nhằm phân tán giao dịch và tránh bị phát hiện.
Với thủ đoạn trên, nhóm này đã thu lợi bất chính khoảng 300 triệu đồng. Sau khi khởi tố vụ án, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố tiếp tục thụ lý theo thẩm quyền.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Lê Đình Hải (26 tuổi, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng phát hiện trên mạng xã hội facebook xuất hiện các tài khoản như: “Một Lòng Hướng Phật - Ni Sư Chức Từ”, “Phật Pháp Nhiệm Màu - Ni Sư Nhân Độ”, “Ni sư Tâm Phúc”, “Phật Pháp Nhiệm Mầu - Ni Sư Tâm Hạ”… thường xuyên đăng tải hình ảnh những hoàn cảnh đáng thương (tai nạn, bệnh hiểm nghèo, người già neo đơn, trẻ em mồ côi cha, mẹ…), kèm theo là các bài viết kêu gọi quyên góp từ thiện vào nhiều tài khoản ngân hàng cá nhân. Tổ công tác của Công an thành phố Đà Nẵng xác định đối tượng nghi vấn là Lê Đình Hải đang ở phường Bình Trị Đông nên tiến hành triệu tập về trụ sở công an.
Với tài liệu, dữ liệu điện tử thu thập được, Lê Đình Hải thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện. Khi tiến hành khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng công an thu giữ nhiều tài liệu chứng minh hành vi phạm tội. Đáng chú ý, đã thu giữ hơn 12 thẻ ngân hàng các loại với tổng số tiền giao dịch trên 10 tỷ đồng, riêng số tiền giao dịch trong tài khoản cá nhân của Lê Đình Hải gần 6 tỷ đồng…
Cẩn trọng với tội phạm
Theo Thượng tá Lê Cao Tâm, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, với phương thức tinh vi, tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng, ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân. Những thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ, hoặc các đối tượng tự thu thập được. Sau khi thu thập thông tin, đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với nạn nhân đề nghị chuyển tiền, yêu cầu cài đặt app qua đường link có chứa mã độc.
Mặt khác, các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, đa số cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng đều là lừa đảo. Do đó người dân cần đề cao cảnh giác, lập tức dừng giao dịch chuyển tiền cho kẻ lừa đảo khi phát hiện dấu hiệu khả nghi.
Thượng tá Lê Cao Tâm cho biết, tội phạm công nghệ cao hiện nay diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi. Thời gian qua, hành vi này tiếp tục gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới nổi lên, bao gồm sử dụng phần mềm deepfake tạo video giả mạo người thân hoặc cán bộ cơ quan Nhà nước, dùng trạm phát sóng giả phát tán tin nhắn, dùng dữ liệu cá nhân mua bán trái phép để tạo danh tính giả...
Trước thực trạng này, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dùng internet cẩn trọng khi truy cập các website khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin, tránh bị lừa đảo. Để đấu tranh có hiệu quả với loại hình tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự bảo vệ mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ của mình. Khi phát hiện bị lừa đảo hoặc nhận thấy có dấu hiệu đáng ngờ, trình báo cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.
Theo số liệu của Bộ Công an, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn quốc xảy ra 8.752 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng. Riêng công an các đơn vị, địa phương trong toàn thành phố Đà Nẵng đã khám phá 13 vụ, khởi tố 17 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. |
NGỌC PHƯƠNG