.
Bạn đọc viết

Về cơ sở trợ giúp pháp lý

.

Do nhiều nguyên nhân, người dân vùng nông thôn Hòa Vang ít được tiếp cận các văn bản về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Vì vậy, thời gian qua, công tác thông tin tuyên truyền đến tận cơ sở luôn được huyện tập trung đẩy mạnh. Mỗi ban, ngành, đoàn thể đều xây dựng kế hoạch hành động vì một mục tiêu chung là góp phần giữ gìn ANCT-TTATXH, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp trong nhân dân.

 Buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại xã Hòa Phước.
Buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại xã Hòa Phước.

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Hòa Vang phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 5 điểm trợ giúp pháp lý, với gần 200 người dân được trợ giúp tại các xã Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Ninh và Hòa Phú. Mỗi điểm trợ giúp pháp lý đều thu hút hàng trăm lượt người đến trình bày những thắc mắc, nguyện vọng của mình trên các lĩnh vực đất đai, chế độ chính sách, hộ khẩu, hộ tịch và các vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn đã nảy sinh trong cuộc sống thường ngày nhưng chưa được giải quyết thấu tình đạt lý. Riêng ở lĩnh vực đất đai, có trên 70% ý kiến người dân quan tâm vì trên địa bàn huyện có 67 dự án đang triển khai, với hơn 7.000ha diện tích đất bị thu hồi, giải tỏa, trong đó đất nông nghiệp chiếm 1.800ha và 6.000 hộ gia đình phải di dời đến nơi ở mới.

Chị Phan Thị Huệ ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh cho hay: Đất và nhà chị đang ở, trước đây không có giấy tờ. Năm 2010, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện tổ chức buổi trợ giúp pháp lý, chị được hướng dẫn cụ thể các thủ tục giấy tờ nhà đất nên đến bây giờ, ngôi nhà của chị đã có sổ đỏ với diện tích đất ở 300m2. Hay tin hôm nay có buổi trợ giúp pháp lý tại thôn, chị đến để tìm hiểu thêm thông tin về diện tích 6 sào đất ruộng và 5 sào đất màu đã được nộp thuế từ nhiều năm trước đó nhưng chưa nằm trong sổ sách thì giải quyết thế nào? Rất may được các trợ giúp viên giải thích tận tình, hướng dẫn cụ thể nên chị thấy rất dễ tiếp cận các thủ tục để hoàn thành nguyện vọng của gia đình. Còn chị Nguyễn Thị Chung ở thôn An Tân, xã Hòa Phong thì cho biết: “Là người phụ nữ suốt ngày chỉ biết đến con trâu, thửa ruộng, bố mẹ cho một miếng đất mà cũng chẳng biết cắt, chuyển thế nào cho đúng thủ tục. Nhưng bây giờ thì khác, được các anh về tận nơi hướng dẫn, rắc rối nhiều năm nay của vợ chồng tôi về lĩnh vực này đã được giải tỏa - tôi vui lắm! “

Thực tế, cách làm này đã góp phần không nhỏ chuyển tải cụ thể, rõ ràng các văn bản, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân ngay tại địa bàn các thôn, góp phần giảm tải công tác thông tin tuyên truyền của các cấp chính quyền địa phương.

Gần dân, lắng nghe ý kiến và trực tiếp giải đáp những thắc mắc của nhân dân một cách tường tận trên nhiều lĩnh vực là tiêu chí và cũng là phương thức hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Hòa Vang từ nhiều năm nay. Ông Mạc Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện cho biết, đời sống người dân vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc Cơtu tại 3 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú) còn nhiều khó khăn, họ rất ít có cơ hội tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật. Vậy nên, đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn mà là của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức, từng bước rút ngắn khoảng cách nhận thức pháp luật giữa các vùng miền.

Cùng với việc cụ thể hóa những nội dung trong các văn bản pháp luật thông qua các hoạt động văn hóa-văn nghệ, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, xã và các hội nghị chuyên đề thì công tác trợ giúp pháp lý của Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Hòa Vang đã và đang triển khai thực hiện ngay tại cơ sở sẽ góp phần tích cực nâng cao nhận thức cho người dân, làm phong phú, đa dạng thêm công tác thông tin tuyên truyền ở địa phương.

Bài và ảnh: Phương Tấn

;
.
.
.
.
.