LTS: Một bạn đọc gửi đến Báo Đà Nẵng bài viết này với dòng nhắn: “Dành tặng các bác sĩ và điều dưỡng khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng”; đồng thời chia sẻ rằng, nơi ấy có những điều tuyệt vời mà bạn sẽ khó có thể hình dung; bản thân người viết cũng không thể diễn đạt hết những gì đã chứng kiến và cảm nhận.
Nơi ấy là bệnh viện nên bạn chắc chắn không bao giờ muốn đến.
Nơi ấy là khoa Nhi nên nghe thấy thì có thể bạn đã lo âu.
Nơi ấy lại là phòng hồi sức cấp cứu nên nhắc tới bạn sẽ cảm thấy lòng mình trĩu nặng.
Nhưng nơi ấy có những điều tuyệt vời mà bạn sẽ khó có thể hình dung được nếu chưa từng đến và chưa từng nghe.
Nếu bạn muốn biết vì sao tôi nói như vậy, hãy cùng tôi đọc những dòng tâm sự đăng trên facebook của một bác sĩ khoa Sản tại chính bệnh viện này:
“Điều kỳ diệu đã xảy ra…, không thể tin được… Hôm nay, trực bệnh viện, một ca bệnh nặng, nhau bong non thể nặng quá điển hình. Hội chẩn dựa trên kết quả siêu âm, tim thai không còn, mổ ngay cứu tử cung nếu có thể và hơn hết là giữ an toàn tính mạng cho sản phụ. Mổ ra, em bé không còn hoạt động tim... Giữ được tử cung mặc dù nó đã tím đen. Mẹ tạm ổn…
Giờ mới bình tâm tóm tắt các sự việc để nói chuyện với gia đình sản phụ (trước mổ đã giải thích với gia đình về tình trạng bé không còn hoạt động tim). Gia đình quá sức đau buồn…
Vào lại phòng mổ, âm thầm tìm em bé xấu số mình đã mổ. Tìm quanh không thấy. Cố tình tìm dưới nền nhà, góc ngách khuất… nhưng cũng không thấy bé đâu. Bí quá đành phải nói to tên mẹ của bé thì… mọi người chỉ vào một bé trước mặt mình… Bé này hồng nhạt, da còn tím nhẹ… Mình sờ tay lên ngực bé… Tim phập phồng, dây truyền, ống thở… đầy mình. Nổi da gà… Mừng vui vỡ òa… Mình muốn hét lên… Các bác sĩ khoa Nhi sơ sinh giỏi quá, cứu em bé không tim (vì thực tế đã mất hoạt động tim một thời gian khá dài) thành có tim.
Điều không thể nào tin được… Hôm nay, chuyện không tưởng lần đầu tôi gặp…”.
Điều không thể nào tin được ấy đã xảy ra và cũng là một trong những chuyện không tưởng đã xảy ra. Trong thời gian ở khoa Nhi sơ sinh, tôi chứng kiến nhiều bé sinh non không chỉ 1 hay 2 tuần mà là 5-6 tuần, thậm chí có bé ra đời lúc nằm trong bụng mẹ chưa được 29 tuần, cân nặng chưa đến 1kg và các bộ phận cơ thể còn chưa kịp hoàn thiện.
Chỉ một sơ sẩy nhỏ, một tác nhân viêm nhiễm rất nhỏ, kể cả việc phản ứng với sữa mẹ…, các bé có thể ra đi bất cứ lúc nào. “Cuộc chiến” cứ diễn ra từng phút, từng giây, giữa một bên là thần chết luôn rình rập, với một bên là các bác sĩ, điều dưỡng, ông bà, cha mẹ và chính bản thân các bé. Để rồi, niềm hy vọng cứ lớn dần mỗi giờ, mỗi ngày, khi các bé dần khóc to hơn, bú được nhiều sữa mẹ hơn…
Ở nơi ấy, điều tuyệt vời không chỉ đến từ chuyên môn, mà còn đến từ tấm lòng. Các bé bị cha mẹ bỏ rơi ở bệnh viện ngay từ khi mới chào đời, được các y, bác sĩ trong khoa đưa về nuôi nấng, chăm sóc và trở thành các thành viên thân thuộc ở khoa. Các bé nhanh chóng quen hơi, bén tiếng các cô; có bé không chịu ăn, ngủ khi không có cô, nên tôi thường thấy một hoặc hai bé chập chững trong phòng trực, có khi cả những lúc rất khuya. Chứng kiến cảnh cô vừa khóc, vừa ôm chặt lấy bé ngày bé về với cha mẹ nuôi, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên vô cùng như tôi và sẽ xúc động vô cùng như tôi.
Bạn sẽ ngạc nhiên, xúc động hơn khi biết rằng, gần như toàn bộ tiền bỉm sữa, quần áo hay thức ăn cho các bé đều do các nhân viên của khoa đóng góp, trích một phần từ khoản tiền lương không nhiều nhặn của mình. Nếu bạn cũng muốn góp một phần nuôi các bé, khoa sẵn sàng có sổ vàng, công khai số tiền ghi tên bạn.
Nhưng nếu bạn muốn bồi dưỡng các cô thì chắc chắn sẽ nhận được lời cảm ơn kèm theo cái lắc đầu kiên quyết. Và dù bạn có đóng góp vào sổ vàng hay không, dù con cháu bạn ở đó bao lâu, dù các bé vào đây trong tình trạng thế nào, tất cả các cháu trước khi xuất viện về nhà đều được các bác sĩ kiểm tra tổng thể, dặn dò kỹ lưỡng để bảo đảm bé khỏe mạnh và được nuôi dưỡng đúng cách.
Tôi nghĩ rằng, không phải chỉ nhờ có những cây cầu, bãi biển, những đêm lễ hội pháo hoa, mà còn nhờ những nơi như thế, nhờ có những con người giỏi chuyên môn, tận tâm, chính trực và giàu lòng nhân ái như thế đã làm thành phố của tôi trở nên đáng sống như mọi người vẫn ngợi ca.
Nếu bạn đã từng qua nơi ấy, tôi tin bạn cũng sẽ nghĩ như tôi.
SUCHI