Mở lối xuống biển

Cần mở rộng không gian, quy hoạch thành khu công viên biển

.

LTS: Sau khi Báo Đà Nẵng đăng tuyến bài Mở lối xuống biển (các số báo ra ngày 26, 27, 29, 30 và 31-1), TS. Huỳnh Ngọc Thành, công tác tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng, gửi đến báo một số ý kiến góp ý như sau:

Thực tế cách đây hơn 10 năm, khi quy hoạch dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, từ đường Hồ Xuân Hương vào Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam), đã có một số ý kiến đề cập việc bố trí các dự án du lịch ven biển liền kề bịt lối ra biển.

Thế nhưng, lúc đó có chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư để phát triển du lịch nên lãnh đạo thành phố chưa lắng nghe và ghi nhận đầy đủ về vấn đề này. Nay do điều kiện phát triển đô thị về phía nam, dọc tuyến đường ven biển từ Hồ Xuân Hương vào Điện Ngọc, khu dân cư sẽ sầm uất như từ đường Hồ Xuân Hương về quận Sơn Trà.

Tình hình kinh tế phát triển, trong đó chủ yếu phát triển du lịch khiến nhiều khách sạn, nhà hàng sẽ mọc lên ở phía tây đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Do đó, không chỉ mở lối xuống biển mà cần phải quy hoạch, mở rộng không gian xuống biển như Công viên Biển Đông (cuối đường Phạm Văn Đồng) và chính những công việc này tác động rất lớn đến phát triển kinh tế phía tây đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa.

Quá trình tham gia góp ý về việc mở lối xuống biển, có ý kiến cho rằng, trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, từ đường Hồ Xuân Hương đến Điện Ngọc cứ cách 2 dự án, khu nghỉ dưỡng mở một lối xuống biển như thế không bảo đảm không gian biển để thưởng ngoạn và thiếu tính quy mô trong dịch vụ tắm biển.

Đồng thời, không thể đồng hóa việc mở lối xuống biển để cư dân, du khách thưởng ngoạn, tắm biển dọc tuyến biển có khu nghỉ dưỡng. Nguyên nhân do các nhà đầu tư khu nghỉ dưỡng cũng như du khách cần không gian riêng để bố trí và thưởng ngoạn theo đặc trưng của từng dự án.

Riêng các bãi tắm công cộng cũng cần những dịch vụ khác biệt phục vụ cho số đông, các bãi tắm này cũng cần quy hoạch và bố trí phù hợp với cộng đồng dân cư và du khách, cần phải có dịch vụ bảo vệ trên bờ và dưới biển như bãi tắm khu vực quận Sơn Trà.

Hiện nay, dọc tuyến đường biển trên có 2 bãi tắm Sơn Thủy và Tân Trà, chỉ cần mở rộng không gian, quy hoạch thành khu công viên biển có dịch vụ nhà hàng, dịch vụ tắm biển và công viên thưởng ngoạn theo khuôn viên khu đất có chiều sâu phù hợp, đáp ứng nhu cầu hiện tại và phát triển tương lai lâu dài cho khu đô thị phía nam.

HUỲNH NGỌC THÀNH

;
.
.
.
.
.
.