.

Điều còn lại sau một vụ án dân sự

Vụ xét xử thiếu khách quan của Tòa án Nhân dân quận Hải Châu về đòi bồi thường thiệt hại của chủ nhà 213 Phan Châu Trinh (PCT)-Đà Nẵng đã được Báo Đà Nẵng đề cập nhiều lần và đến nay đã có hồi kết, với chân lý thuộc về bên bị đơn là Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (BQLDA) thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, điều còn lại của vụ án mà bạn đọc đặt vấn đề là, những thiệt hại cũng như uy tín của phía bị đơn và các bên liên quan đã không được Tòa án đề cập đến sau khi xét xử “oan”.

Tại phiên tòa sơ thẩm TAND quận Hải Châu, BQLDA đề nghị xem xét lại tư cách bị đơn của vụ án, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn yêu cầu Tòa xác định bị đơn không phải là BQLDA và đề nghị xem xét phần lỗi của chủ nhà trong vụ việc, nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng số 1 (GCC1) xin tự nguyện bồi thường và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giá trị phần bồi thường thiệt hại bởi giá trị thiệt hại theo dự toán do Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng lập là không đúng quy định pháp luật.

Bất chấp mọi trình bày của BQLDA, luật sư bào chữa, GCC1, TAND quận Hải Châu vẫn xác định BQLDA là bị đơn, buộc bồi thường tổn thất cho chủ nhà 213 PCT (mặc dù vẫn công nhận chủ nhà 213 PCT có lỗi) với tổng số tiền bồi thường và mọi chi phí là 205,4 triệu đồng theo bản án sơ thẩm số 12/2006/DSST. Ngay sau khi nhận được bản án sơ thẩm, BQLDA đã kháng cáo toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm và đề nghị TAND thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm xác định lại tư cách bị đơn của vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm TAND thành phố Đà Nẵng, BQLDA tiếp tục đề nghị Tòa án xem xét lại tư cách bị đơn của mình, khẳng định rằng BQLDA không phải là bị đơn của vụ án, mà bị đơn phải là GCC1 mới phù hợp với pháp luật, yêu cầu xem xét phần lỗi của chủ nhà và tính pháp lý của dự toán giá trị thiệt hại do Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng lập.

Tuy nhiên, TAND thành phố Đà Nẵng đã bác bỏ mọi yêu cầu của BQLDA và tuyên y án sơ thẩm tại bản án phúc thẩm số 49/2006/DSPT. Ngày 3-11-2006, Thi hành án (THA) dân sự quận Hải Châu yêu cầu BQLDA tự nguyện THA trong thời gian 30 ngày. Chưa đầy 7 ngày trong thời gian 30 ngày tự nguyện THA, THA dân sự quận Hải Châu thông báo phong tỏa tài khoản của BQLDA tại ngân hàng. Quá bức xúc trước việc áp đặt thiếu khách quan của TAND 2 cấp và của cơ quan THA quận Hải Châu, BQLDA có đơn gửi TANDTC, VKSNDTC, VKSND thành phố Đà Nẵng đề nghị xem xét kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. VKSND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị VKSNDTC kháng nghị bản án phúc thẩm số 49/2006/DSPT của TAND thành phố Đà Nẵng theo hướng giám đốc thẩm.

Viện trưởng VKSNDTC có Quyết định số 120/QĐ-KNGĐT kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND thành phố Đà Nẵng. TANDTC đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm, nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm xác định BQLDA là bị đơn buộc phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là không đúng về tư cách bị đơn của vụ án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không xem xét phần lỗi của chủ nhà 213 PCT, nên đã quyết định hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 12/2006/DSST của TAND quận Hải Châu và bản án phúc thẩm số 49/2006/DSPT của TAND thành phố Đà Nẵng, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hải Châu xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm theo hướng GCC1 là bị đơn trong vụ án. Ngày 21-4-2008, TAND quận Hải Châu có Quyết định số 44/2008/QĐST-DS đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Qua nhiều cấp xét xử, với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, có tiếng nói tích cực, mạnh mẽ của cơ quan báo chí, truyền thông, cuối cùng chân lý trong vụ án bồi thường thiệt hại nhà 213 PCT cũng đã được sáng tỏ. Đến nay, TAND quận Hải Châu, với lý do nguyên đơn đã được Tòa triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt nên đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo luật định. Với quyết định này, TAND quận Hải Châu đã khép lại một vụ án dân sự kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị của thành phố và Trung ương, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, công tác của cán bộ, cơ quan, đơn vị Nhà nước, uy tín của dự án và  nhận thức của người dân qua hành xử của Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Thực chất vụ án bồi thường thiệt hại nhà 213 PCT là một vụ án dân sự có tính chất đơn giản, đã được pháp luật quy định rõ ràng nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên, được GCC1 giải quyết bồi thường tương tự trên thực tế hàng trăm trường hợp không có khiếu kiện và đã được các bên liên quan trình bày nhiều lần bằng văn bản, tranh luận tại Tòa án các cấp. Vậy tại sao vụ án lại phải kéo dài? Do trình độ, nhận thức của thẩm phán cả hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm còn hạn chế hay do cố tình áp đặt pháp luật theo ý chí chủ quan?  Thẩm phám Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã bỏ qua các quy định pháp luật về tố tụng dân sự, làm phức tạp thêm các quan hệ tranh chấp giữa nhân dân và các cơ quan, đơn vị Nhà nước, trái với hai nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2005 quy định tại Điều 10 “Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước…” và Điều 11 “Nguyên tắc tuân thủ pháp luật”.

 Trong thời gian dài đó, không kể chủ nhà là nguyên đơn, các bên liên quan như BQLDA, GCC1 đều chịu nhiều tổn thất từ việc phải sắp xếp công việc đơn vị, huy động nhân sự để vừa tăng cường đẩy nhanh tiến độ dự án kịp hoàn thành công trình phục vụ dân sinh thành phố, bảo đảm giải ngân kịp thời vốn ODA, vừa tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhà nước, uy tín của đơn vị và để pháp luật được thực thi đúng quy định. Không chỉ vậy, các bên, trong đó có cả chủ nhà đã phải tốn không ít tiền của, công sức vào việc thẩm định, khảo sát, bào chữa tại tòa án các cấp. Vậy trách nhiệm của các thẩm phán, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đối với các thiệt hại, tổn thất này như thế nào?

Cuối cùng, việc TAND thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án đã xem xét qua loa, bỏ qua các nội dung kháng cáo của BQLDA đòi hỏi, vẫn quyết định giữ y án sơ thẩm; việc cơ quan THA quận Hải Châu “tích cực” áp dụng ngay biện pháp phong tỏa tài khoản của BQLDA khi chưa hết thời gian 30 ngày tự nguyện THA trong khi BQLDA không hề có “hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án” quy định tại Khoản 2 Điều 7 “Cưỡng chế thi hành án” của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, có phải thực sự là một nỗ lực cải cách tư pháp trong hoạt động xét xử và THA tại thành phố Đà Nẵng hay vì lý do nào khác?

Những câu hỏi trên, Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tại thành phố Đà Nẵng và cơ quan THA quận Hải Châu cần xem xét trách nhiệm của mình để có đánh giá xác đáng đúng, sai và công khai trước công luận, nhằm củng cố niềm tin cho người dân vào các cơ quan thực hiện “cán cân công lý” của Nhà nước.     

HOÀI AN

;
.
.
.
.
.