.
VỤ LẤN CHIẾM ĐẤT, XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÁI PHÉP CỦA ÔNG TRẦN VIẾT HÒE

Cưỡng chế kiểu... “nửa vời”?

.

Thời gian qua, Báo Đà Nẵng đã có bài viết phản ảnh việc ông Trần Viết Hòe chiếm dụng 1.500 m2 đất lâm nghiệp tại tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân vào năm 2005, để xây dựng nhà cấp 4, hòn non bộ, trồng các loại cây cau, keo lá tràm, phi lao... ảnh hưởng đến tầm kiểm soát camera, đe dọa sự an toàn của hầm đường bộ Hải Vân.
 

Mặc dù đã có quyết định cưỡng chế, nhưng căn nhà tôn, cây cối, hòn non bộ... của ông Trần Viết Hòe vẫn còn nguyên hiện trạng (ảnh chụp ngày 20-6-2008).


Gần 4 năm xảy ra vụ việc đã có khoảng 30 cuộc họp của các cơ quan chức năng thành phố để bàn biện pháp xử lý; ngày 5-6-2008, UBND phường Hòa Hiệp Bắc phối hợp lực lượng chức năng quận Liên Chiểu tổ chức cưỡng chế đối với hành vi vi phạm của ông Trần Viết Hòe, với mục đích giải phóng các công trình kiến trúc, cây cối mà ông Hòe đã trồng trên mảnh đất đã chiếm dụng trái phép để giao lại diện tích đất này cho Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân quản lý.

Mặc dù lực lượng tham gia cưỡng chế hùng hậu gồm 40 người cùng các công cụ hỗ trợ như xe múc, xe tải... song việc cưỡng chế được thực hiện “nửa vời” hay nói đúng hơn là xử lý kiểu đối phó. Ngày 20-6, có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy căn nhà cấp 4 mới chỉ được tháo dỡ một nửa, hòn non bộ, căn nhà tôn ở cạnh dãy trụ điện 110 kV, các loại cây trồng lâu năm vẫn còn nguyên vẹn và công nhân của ông Hòe vẫn ra, vào làm việc tại đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Sáu, Phó Giám đốc Công ty HAMADECO bức xúc: Theo quy định, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hầm đường bộ Hải Vân, thì trong phạm vi 100m tính từ tường rào Trung tâm điều hành trở ra, nghiêm cấm việc tồn tại các công trình kiến trúc cũng như các loại cây lâu năm tại đây. Khi nào những vi phạm của ông Trần Viết Hòe chưa được xử lý triệt để, thì khi ấy sự an toàn của hầm đường bộ Hải Vân vẫn chưa được bảo đảm.

Đáng lưu ý, cũng vi phạm xây dựng nhà trái phép trên đất rừng, nhưng sau khi Báo Đà Nẵng phản ánh về trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Thanh, tại tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân (cách chỗ ông Hòe khoảng 400m), các cơ quan chức năng quận Liên Chiểu có biện pháp xử lý vi phạm và ông Thanh đã tháo dỡ nhà ngay sau đó. Còn trường hợp ông Trần Viết Hòe kéo dài dai dẳng suốt gần 4 năm qua, nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng quận Liên Chiểu lại “cầm chừng”, thiếu kiên quyết?

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.