.

Mất điện thoại... hãy cẩn thận!

Mất điện thoại di động là chuyện thường xảy ra, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như đánh rơi, quên... nhưng phần lớn là do bị đánh cắp. Hiện nay đã xuất hiện những chiêu lừa đảo mới, không chỉ người mất điện thoại mà cả những người có tên trong danh bạ cũng bị kẻ trộm cho vào tầm ngắm.

Bạn Phạm Thị N, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết: Ngày 20-5, ban đêm phòng trọ của N bị kẻ trộm lẻn vào lấy đi một số vật dụng trong nhà và chiếc điện thoại Motorola, trong tài khoản còn gần 100 nghìn đồng. Do chủ quan, nên hôm sau, đến trưa N mới báo với tổng đài để khóa máy.

Những tưởng, mất điện thoại chỉ là chuyện đơn giản, nhưng không ngờ chỉ trong một thời gian ngắn, kẻ trộm không những sử dụng điện thoại của nạn nhân để “vay tiền” mà còn sao chép danh bạ để lừa những người có trong danh sách. Lúc đầu, khi chưa khóa máy, kẻ trộm dùng chính máy của khổ chủ nhắn tin vay tiền bạn bè.

Do đọc được tên tuổi cũng như các mối quan hệ ngay trên điện thoại được chủ nhân viết tắt như: anh, em... nên kẻ trộm dễ dàng lợi dụng, với những tin nhắn lịch sự: “Chị ạ, em là N đây. Em đang rất cần sự giúp đỡ của chị. Giúp em nhé!”. Và ngay khi người bên kia hỏi có chuyện gì thì kẻ lừa đảo sẽ trình bày những lý do như: “Cần liên lạc mà máy hết tiền, tháng này bí quá, hết tiền mà không ở gần nhà...”. Đặc biệt, kẻ trộm “vay tiền” nạp điện thoại nhưng “nhờ” người nạp chỉ cào mã số thẻ rồi gửi vào một số điện thoại nào đó.

Khi những “nạn nhân sắp bị vào tròng gọi lại, kẻ trộm thường mở máy nhưng không nghe rồi lấy những lý do như ồn quá hoặc sóng chập chờn không nghe máy được, yêu cầu người gọi nhắn tin... Cứ như vậy, không biết bao nhiêu người đã nạp thẻ điện thoại từ 50 nghìn đến hàng trăm nghìn đồng mà không biết mình đang bị lừa. Chủ nhân của số điện thoại cũng rất khó có thể giải quyết suôn sẻ những sự việc như thế này. Mất điện thoại đang diễn ra hằng ngày, mọi người cần nâng cao cảnh giác để không mắc phải những chiêu lừa như trên.

Phạm Thị Hưng

;
.
.
.
.
.