.

Những điểm cần lưu ý của Luật Giao thông đường bộ mới

.

Ngày 1-7-2009, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) được Quốc hội khóa XII, kỳ họp  thứ 4 thông qua sẽ chính thức có hiệu lực. So với Luật GTĐB cũ, Luật mới được đánh giá là đã có sự thay đổi khá nhiều, đặc biệt là  “mạnh tay” hơn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN HỮU CƯỜNG, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố về những điểm cần lưu ý trong Luật GTĐB mới.

 

* P.V: So với Luật GTĐB được ban hành năm 2001, luật mới này có những điểm gì cần lưu ý, thưa ông?

- Ông Nguyễn Hữu Cường: Luật GTĐB sửa đổi có 8 chương với 89 điều. Trong số 89 điều này chỉ có 3 điều được giữ nguyên cả nội dung lẫn kết cấu (chiếm 3,37%), và có đến 68 điều bổ sung sửa đổi (chiếm 76,40%) và có 18 điều hoàn toàn mới (chiếm 20,23%).

Điều này cho thấy, Luật GTĐB mới có sự thay đổi rất lớn về nội dung, theo hướng quy định rõ hơn không những  về ATGT đường bộ mà còn chú ý đến quản lý vận tải, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; đầu tư, khai thác bảo vệ hạ tầng giao thông. Đồng thời còn bổ sung thêm một số nguyên tắc trong hoạt động giao thông đường bộ theo hướng phù hợp với  phạm vi điều chỉnh toàn diện ngành Giao thông-Vận tải đường bộ.

* P.V: Đối với hành vi nghiêm cấm thì Luật GTĐB có điểm gì đáng chú ý?

- Ông Nguyễn Hữu Cường:
Luật quy định chặt chẽ hơn đối với hành vi sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia) của người điều khiển phương tiện giao thông. Cụ thể, nghiêm cấm người điều khiển ô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dụng trên đường mà hơi thở có nồng độ cồn; còn đối với người  điều khiển mô-tô, xe gắn máy thì nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở không được vượt quá 50miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Như vậy, đối với những đối tượng điều khiển ô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dụng do mức độ nguy hiểm cao hơn nên Luật quy định là nghiêm cấm sử dụng rượu, bia; còn đối với người điều khiển mô-tô, xe gắn máy chỉ được sử dụng đồ uống có cồn với lượng rất ít. Đây là điểm rất quan trọng mà người tham gia giao thông phải hết sức lưu ý, vì chỉ cần uống khoảng một chai bia đã bị xử phạt. Tốt nhất là khi điều khiển phương tiện giao thông thì nên “nói không” với đồ uống có cồn.

Đặc biệt, nhằm bảo đảm ATGT,  Luật đã nâng độ tuổi của người lái ô-tô chở 10-30 hành khách từ 21 tuổi lên 24 tuổi,  với lái xe chở trên 30 hành khách thì độ tuổi cũng được nâng từ 25 lên 27 tuổi. Ngoài ra, Luật mới còn quy định cụ thể về độ tuổi trẻ em được chở trên mô-tô, xe gắn máy là dưới 14 tuổi và dưới 7 tuổi đối với xe đạp.

Bên cạnh đó, Luật còn bổ sung thêm đối tượng phải đội MBH khi tham gia lưu thông trên đường là người ngồi trên xe đạp máy.Với người điều khiển phương tiện giao thông, cần phải nhớ mang theo các loại giấy tờ sau: Đăng ký xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dụng, giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Đây là những loại giấy tờ bắt buộc phải có để người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình với cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Thanh Vân (thực hiện)

;
.
.
.
.
.