(ĐNĐT) - Luật giao thông đường bộ (GTĐB) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7, trong đó có nhiều điều khoản được thay đổi bổ sung mới. Đặc biệt, điều làm cho dư luận quan tâm chính là việc xử lý người điều khiển phương tiện GTĐB uống rượu, bia. Tuy nhiên, việc thực thi luật này vẫn còn nhiều khó khăn đối với các lực lượng chức năng nhất khi mà luật đã có nhưng chưa có chế tài để xử phạt...
Đà Nẵng điện tử có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Đến (ảnh), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Đà Nẵng xung quanh vấn đề này.
Thượng tá có thể cho biết việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia ở Đà Nẵng như thế nào?
Luật GTĐB (sửa đổi) đã chính thức có hiệu lực từ 1-7, tuy nhiên, ban đầu lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về quy định mới của Luật, trong đó, có việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, cũng như việc thực thi đội mũ bảo hiểm đối với tất cả các loại xe máy, thô sơ, xe cơ giới, xe đạp điện...
Khi kiểm tra, nếu phát hiện người điều khiển ô tô có biểu hiện sử dụng rượu, bia, thổi vào máy chỉ cần báo có cồn trong hơi thở thì sẽ kiên quyết xử phạt nghiêm theo đúng quy định. Đối với người điều khiển mô tô, xe máy, nếu nồng độ cồn khi thổi vào máy vượt quá ngưỡng 50miligam/100 mml máu hoặc 0,25 miligam/1l khí thở sẽ bị phạt nhằm đảm bảo tính ăn đe, phòng ngừa xã hội.
Tuy nhiên, thực tế áp dụng quy định mới còn nhiều khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Bởi lẽ, luật mới đã có hiệu lực nhưng chưa có văn bản mới ban hành về quy định và chế tài xử phạt. Vì vậy, lực lượng CSGT vẫn rất khó để phạt vì nghị định mới chưa ban hành mà chỉ xử phạt theo Nghị định 146/2007 của Chính phủ đối với một số trường hợp. Dĩ nhiên, khi có văn bản, chế tài mới về quy định xử phạt, chúng tôi sẽ làm quyết liệt hơn.
Hiện nay, lực lượng CSGT có bao nhiêu phương tiện kiểm tra xử lý? Làm thế nào để phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia?
Hiện tại, lực lượng CSGT toàn thành phố Đà Nẵng có 6 máy đo nồng độ cồn.
Việc tiến hành đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông không thể thực hiện một cách đại trà được mà chỉ phát hiện những trường hợp có nghi vấn say xỉn (đối với mô tô) và chỉ dừng ô tô khi bị phát hiện phạm lỗi trực quan...
Đối với những trường hợp không chịu hợp tác, lực lượng CSGT phải xử lý như thế nào?
Luật đã ban hành và có hiệu lực thì buộc mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT hoặc người thi hành công vụ, lực lượng CSGT sẽ xử lý vi phạm hành chính như hành vi uống rượu, bia. Bởi lẽ, hiện nay, tai nạn giao thông đang là vấn đề nóng, phức tạp mà nguyên nhân do nguời điều khiển phuơng tiện giao thông sử dụng rượu, bia chiếm tỷ lệ cao trong các vụ tai nạn.
Vì vậy, để góp phần làm giảm tình hình tai nạn giao thông từ nay đến cuối năm 2009 theo chỉ đạo của thành phố, đặc biệt là giảm số người chết vì tai nạn giao thông, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chính quyền, Ban an toàn giao thông và lãnh đạo Công an các cấp ban hành các kế hoạch biện pháp triển khai thực hiện hiệu quả nhằm duy trì và giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phối....
NGỌC PHÚ (thực hiện)
.
.
Còn khó khăn trong việc xử phạt người lái xe uống rượu, bia
Thứ Năm, 02/07/2009, 14:15 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.