5 năm công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTPVTTXH), anh không chỉ khám phá nhiều vụ án hình sự mà còn cảm hóa hàng chục tên tội phạm quy hàng pháp luật. Anh là Đại úy Lê Văn Tín (ảnh), Đội phó Đội CSĐTTPVTTXH Công an quận Liên Chiểu.
Từ điều tra khám phá án
Lê Văn Tín kể, trước đây anh công tác tại Văn phòng Công an tỉnh Quảng Nam, nhưng “mê” nghiệp hình sự nên anh tiếp tục học Đại học Cảnh sát về ngành điều tra tội phạm. Sau khi ra trường, anh chuyển công tác về Đội CSĐTTPVTTXH Công an quận Liên Chiểu. Ở một địa bàn khá phức tạp về tình hình an ninh trật tự, song nhờ học hỏi từ đồng nghiệp và lãnh đạo, Tín nhanh chóng trở thành một cán bộ điều tra chuyên nghiệp. “5 năm qua, tôi cùng anh em khám phá hàng trăm vụ án hình sự; trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, Lê Văn Tín nói.
Trong hàng trăm vụ án mà anh cùng đồng đội khám phá, anh nhớ nhất là vụ án giết người xảy ra tại đường 60 mét (phường Hòa Minh) vào ngày 4-5-2009. “Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, chúng tôi xuống ngay hiện trường tìm hiểu. Sau khi trả lời mấy câu hỏi của cán bộ điều tra, nạn nhân là anh N.T. (trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đã bất tỉnh. Lần mò từ các mối quan hệ của nạn nhân, có thêm chi tiết mà nạn nhân cung cấp là do “bạn giết!”, nên anh em chúng tôi đã điều tra theo hướng đó. Hàng chục người bạn của nạn nhân được sàng lọc rồi loại bỏ. Cuối cùng đối tượng Nguyễn Đăng Triều (SN 1982, bạn thân nhất của nạn nhân), trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn cũng đã lộ diện và bị bắt giữ sau 8 giờ gây án”, anh Tín nhớ lại.
Hay như vụ án Võ Đức Thọ (SN 1976), trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu giết bà H.T.T. (SN 1937), trú phường Hòa Minh, xảy ra vào chiều 18-2-2011 cũng vậy. Anh kể: “Thọ đã tạo ra các chứng cứ ngoại phạm trước khi gây án nên rất ngoan cố. Song khi xâu chuỗi lại tất cả các chứng cứ ngoại phạm của hung thủ, chúng tôi phát hiện có mâu thuẫn, vậy là sau 3 ngày đấu trí, Thọ đã cúi đầu nhận tội”.
Đến người cảm hóa tội phạm
“Đấu tranh với tội phạm không chỉ để loại bỏ cái xấu, cái ác mà còn giúp những người lầm lỡ, phạm tội trở về nẻo thiện”, Lê Văn Tín chia sẻ. Với ý nghĩ như vậy mà trong suốt 5 năm làm Cảnh sát hình sự, anh đã dùng cái tâm mình cảm hóa được hàng chục đối tượng.
Năm 2008, trong một chuyên án trộm cắp xe máy, Đặng Trương Nhật Long (trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê) là đối tượng chính của vụ án bị bắt giữ. Long “ở tù nhiều hơn ở nhà” nên có vẻ coi khinh tất cả các cán bộ điều tra. Suốt nhiều ngày các cán bộ điều tra hỏi cung, Long chỉ giở bài: “Không biết, không nghe, không thấy”. Gia hạn điều tra rồi lại hết hạn, cuối cùng Tín bắt tay vào công việc nghiên cứu tâm lý đối tượng, các mối quan hệ gia đình, xã hội. Qua đó nhận thấy, Long rất thương mẹ, đồng thời rất nghĩa hiệp với bạn bè, sẵn sàng ngồi tù thay bạn. Từ đó, anh bắt đầu dùng những lời lẽ tâm huyết như một người anh để nói chuyện, cuối cùng Long đã khóc và khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Đặc biệt, trong chuyên án mại dâm được Công an quận Liên Chiểu phá vào tháng 9-2010, gái bán dâm N.T.M. L. (trú quận Ngũ Hành Sơn) sau khi được Tín cảm hóa, giáo dục, hết hạn cải tạo trở về hòa nhập cộng đồng, L. tu chí làm ăn. Gặp chúng tôi, L. tâm sự: “Đời em nếu không có cán bộ Công an như anh Tín thì cũng chỉ là một gái bán dâm. Thân phận bị người ta chà đạp và đời không biết sẽ về đâu. Chính anh Tín là người đã sinh ra em lần thứ hai”.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn lời Thượng tá Quách Văn Dũng, Phó trưởng Công an quận Liên Chiểu, khi nói về anh: “Trong những năm ở Đội CSĐTTPVTTXH, Lê Văn Tín đã lập nhiều chiến công xuất sắc, luôn được bạn bè, đồng đội tin yêu, noi gương học tập”.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ